Tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cho các nhà đầu tư sẽ mang lại kết quả tốt đẹp trong bối cảnh hậu đại dịch

09:13 27/11/2021

Trong bối cảnh hậu đại dịch, việc các quốc gia chú trọng vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là 'trọng tâm' được ông Őry Csaba - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập. Ông cũng cho biết thêm rằng, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp Hungary không hề mất đi hứng thú với thị trường Việt Nam.

Ông Őry Csaba - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam

Ông Őry Csaba - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam.

Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng

Thương mại Việt Nam – Hungary được đánh giá là có mức tăng trưởng nhanh chóng. Theo thống kê trong những năm gần đây, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hungary chủ yếu gồm nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng điện thoại và linh kiện và hàng dệt may.Tuy nhiên, bên cạnh những nhóm hàng đó, nông sản thực phẩm cũng được đánh giá là một mặt hàng tiềm năng

Dù giá trị xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Hungary hiện vẫn thấp nhưng còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng kim ngạch. Cụ thể, mặt hàng cà phê chế biến của Việt Nam mới chỉ chiếm 12,6% thị phần tại Hungary, trong khi nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng này khoảng 30-50 triệu USD/năm. Với mặt hàng gạo, nhu cầu tại thị trường Hungary là 40 triệu USD/năm, gạo Việt Nam chiếm thị phần rất nhỏ, chỉ 0,5%. Hạt tiêu, nhu cầu thị trường là 5 triệu USD/năm, Việt Nam hiện chiếm 18,7% thị phần tại quốc gia này.

Đặc biệt, mỗi năm Hungary nhập khẩu khoảng 300 triệu USD mặt hàng rau quả chế biến từ khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, ngành rau quả Việt Nam 7 đầu tháng 2021 xuất khẩu 565,3 nghìn USD sang thị trường này, thị phần của Việt Nam rất nhỏ cũng đồng nghĩa còn dư địa cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh, khai thác. Do còn nhiều dư địa, hàng hoá của Việt Nam được cho là có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hungary. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU giúp hàng hoá Việt Nam có ưu thế về thuế trước các đối thủ cạnh tranh.

Trong khi đó, nhóm hàng mà Hungary xuất sang Việt Nam chủ yếu là thức ăn gia súc và nguyên liệu; hàng máy móc, thiết bị phụ tùng và hàng dược phẩm. Với lợi thế bổ trợ lẫn nhau này, hai nước hoàn toàn có dư địa để tìm kiếm cơ hội mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại trong thời gian tới.

Ông Őry Csaba nhận đinh: “Trong bối cảnh dịch bệch, các doanh nghiệp Hungary không hề mất hứng thú với thị trường Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hungary đang trên đà phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện vào năm 2018. Theo tôi, nhìn chung các doanh nghiệp từ phía bên nước chúng tôi luôn cởi mở nhằm tăng cường hợp tác và thắt chặt mối quan hệ kinh doanh với các đối tác tại Việt Nam trong cả hiện tại và tương lai sắp tới”.

Có thể nói, nhìn lại một năm 2020 đầy biến động thì con số kim ngạch thương mại song phương lần đầu tiên vượt quá 1 tỷ USD chính là một trong những thành quả ý nghĩa nhất để chúc mừng dấu mốc 70 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hungary.

Bất chấp đại dịch, thương mại song phương của chúng ta lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2020
Bất chấp đại dịch, thương mại song phương của 2 nước lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2020.

Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài hậu đại dịch

Ông Őry Csaba chia sẻ rằng: “Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã đặt các doanh nghiệp vào tình thế khó khăn trên toàn cầu. Tất cả các bên liên quan buộc phải đánh giá lại các quyết định trước đó của họ về sản xuất và các doanh nghiệp từ nước chúng tôi đã trải qua những gián đoạn chuỗi cung ứng chưa từng thấy trước đây. Thế nhưng tôi tin rằng Việt Nam vẫn đang ở vị thế xuất sắc để thu hút ngày càng nhiều nguồn đầu tư, tuy nhiên, việc quản lý tình hình đại dịch sẽ là yếu tố then chốt. Nghị quyết số 128 là một bước quan trọng đầu tiên trong vấn đề này - quy định đã tạo ra khuôn khổ để sinh sống trong trạng thái bình thường mới”.

Đánh giá về lợi thế của Việt Nam so với các thị trường cùng khu vực trong mắt các nhà đầu tư FDI, ông Őry Csaba cho rằng, chính tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động và sự ổn định chính trị - xã hội cũng như việc đất nước đang trong thời kỳ cơ cấu ‘dân số vàng’ là những lợi thế quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam và thị trường Việt Nam trở nên thu hút hơn. Ông cũng tin rằng, việc Chính phủ cam kết cải thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cho các nhà đầu tư sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp. 

“Trong bối cảnh hậu đại dịch, theo tôi, việc các quốc gia chú trọng vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là điều quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Őry Csaba đánh giá.

Trong thời gian tới, đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Hungary, để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường Hungary, doanh nghiệp trong nước cần đầu tư nghiên cứu thói quen tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp. Ông Őry Csaba cho rằng: “Đầu tư cho công tác marketing, gia tăng sự nhận diện của sản phẩm trên thị trường là điều rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt. Cùng đó, do khoảng cách địa lý quá xa, vận chuyển hàng hoá hiện nay phải mất từ 6-7 tháng, hạn sử dụng của sản phẩm không còn nhiều, ảnh hưởng tới hoạt động bán hàng của nhà nhập khẩu, đây cũng là vấn đề doanh nghiệp sản xuất trong nước cần lưu ý”.

Ngoài ra, khi bắt tay với nhà phân phối hàng hoá tại Hungary, doanh nghiệp trong nước phải đảm bảo nguồn cung liên tục, chất lượng ổn định và có thông điệp xuyên suốt tới khách hàng.

“Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thông tin thị trường, ngành hàng, đối tác qua Internet và các tổ chức xúc tiến thương mại hai nước”, Đại sứ nhấn mạnh.

Ông Őry Csaba cũng chia sẻ thêm: “Việt Nam hiện được ca ngợi trên toàn cầu về thành tích kinh tế trong thời kỳ đại dịch, vì là một trong số ít quốc gia có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế vào năm 2020. Chính vì thế, tôi tin rằng triển vọng tăng trưởng là rất hứa hẹn, với điều kiện là Việt Nam có thể quản lý được đại dịch tốt và mọi hoạt động kinh tế có thể tiếp tục mà không bị trì hoãn”. 

Về triển vọng hợp tác giữa các công ty Việt Nam và Hungary, ông Őry Csaba cho rằng, có nhiều tiềm năng để phát triển lớn mạnh hơn nữa. “Bất chấp đại dịch, thương mại song phương của chúng ta lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2020. Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể cùng nhau xây dựng thành tựu to lớn này để có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại trong những năm tới”, Đại sứ nhận định.

Bảo Bảo