Nỗi buồn của Dele Alli với thất bại của tuyển Anh trước Croatia
Phân vân song vẫn ôm kèo. Phần vì lý do nhiều người thấy: Anh vòng bảng và tứ kết toàn đấu đội èng èng, trận gặp Bỉ tung đội hình 2, không biết do chủ quan khinh địch hay cố tình thua để chọn nhánh đấu dễ hơn. Trong khi Croatia bất bại, tiễn Argentina bằng tỉ số “hạ nhục”. Harry Kane khả năng vua phá lưới thật đấy nhưng kiểu lầm lụi chứ chưa có thần thái của một ngôi sao lớn.
Và tâm lý phụ nữ thì còn điều này nữa: hay thương kẻ khó. Xứ sở “Phớt Ăng-lê” quá phủ phê, viên mãn khiến bảo nể thì có thể nhưng chúc phúc cho họ thì chưa chắc.
Tan trận, tôi hả hê nhắn người nhà: “Thế nào ai đúng đây”. Vì trước đó vị này hết sức hào hứng với một tuyển Anh lột xác chứ không chỉ loay hoay “kick and rush” (hoặc “kick and run”) và “lật cánh đánh đầu” nhàm chán. Người nhà đáp gọn lỏn “thôi đừng xoáy vào nỗi đau của nhau nữa” chả hài hước tí nào, biết là cá độ lớn rồi hihi.
Phụ nữ xem bóng đá thế đấy. Hay tính đếm những yếu tố ngoài bóng đá. Ví dụ trận Nga- Tây Ban Nha tôi cũng đoán đúng. Ngoài sự so kè chuyên môn có cả phép tính về việc: Nga đợt này khá may khi ở bảng đấu nhẹ nhàng, lại đà thành công với vai trò chủ nhà W.C- nghĩa là đang “dây đỏ”. Hơn nữa xem vài chục phút thấy Tây Ban Nha cũng mèng, càng quyết theo.
Người nhà ghét tôi cùng ngồi xem bóng đá “nội” lắm, thường đuổi đi chỗ khác chơi, vì mình, phỉ thui, hay đoán đúng những trận thua của đội nhà. Nhất là mươi, mười lăm năm trước, một số cầu thủ xuất sắc dính chàm, dị ứng nên khi mọi người say sưa dán mắt ti vi thì tôi chốc lại tạt vào hỏi đểu: “Mấy chục không (0) rồi”, tức là thua mấy chục quả rồi?
Trận Nga- Croatia tôi không mạnh dạn bắt Nga dù mong đội này thắng. Vào cuộc luân lưu sinh tử, thấy Smolov bước lên đầu tiên, tôi quay sang bảo con gái “chết cha, sao thất thần thế này”. Sau Smolov hỏng ăn mà không vì thủ môn giỏi, Fernandes bước lên, tôi định nói “lẽ ra đừng bắt anh ý đá”. Là vì chiều hôm đó vừa xem lại băng hình 20 cú sút để đời của Roberto Baggio, cả cú sút phạt đền lên trời khiến anh thành tội đồ của nước Ý 1994 trong khi chính anh chứ nào phải ai khác đã dẫn Ý đến trận chung kết này. Dợm miệng định phát biểu sợ sự lựa chọn Fernandes dù phục anh đánh đầu thay đổi cục diện, nhưng không dám nói vì biết phận độc mồm độc miệng của mình. Thậm chí thích đội nào thì có khi còn giả bộ chê bai, rủa “thua đến nơi rồi”.
Năm nay, mong và tin Pháp vô địch. Nhưng vẫn vẹn một niềm đau khi nhớ lại Ronaldo, Rivaldo, Cafu, Dunga, Roberto Carlos...đã đổ gục trước sự chứng kiến của cả thế giới như thế nào ở France 98. Hồi đó xôn xao tin Brazil “móc ngoặc” để vị thế kể cả chính trị của chủ nhà được nâng cao, nhưng tất nhiên chỉ là lời đồn. Mới đây xem phim tài liệu trong đó “Rô béo” kể anh đã lịm đi mấy chục giây khiến đồng đội hốt hoảng ra sao trước giờ đá chung kết. Ðến mình còn khó quên nữa là người trong cuộc. Dù càng sau càng thần tượng Zidane.
Có điều nữa không muốn cũng phải nói: Trong bóng đá có từ “làm chậm nhịp độ của trận đấu”, thì sự xuất hiện của các “hot girl” ở tiết mục bình luận đúng là vậy- làm chậm, loãng, phân tán nhiều thứ nhất là cảm xúc. Nhà đài vụ này có vẻ giống tình huống “mất tiền mua xà phòng phải cố ăn”. Chuyện là ông nọ được mách có món bánh ngon lắm tên là xà phòng, bèn mua về thấy khó nuốt nhưng vẫn cố xơi bởi bỏ thì sợ uổng. 10 người kêu cả 10 vụ hot girl bàn bóng bánh nhưng ê-kip vẫn quyết giữ nguyên đội hình và “đấu pháp”, làm như nó bất bại, ngon trớn, truyền cảm hứng lắm không bằng.
Vi Khanh