![]() |
Tấm huy chương hai mặt của mua sắm toàn cầu chỉ với một cú nhấp chuột |
Theo báo cáo của Statista (tháng 10/2024), quy mô thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu năm 2024 đạt 1,6 nghìn tỷ USD, dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, lên đến 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2026 và tiếp tục tăng lên trên 8 nghìn tỷ vào năm 2027[1]. Sự bùng nổ này được thúc đẩy bởi sự phổ biến của Internet, smartphone, cũng như sự phát triển của các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba, eBay...
![]() |
Hình1. Doanh số bán lẻ thương mại điện tử toàn cầu từ năm 2014, dự báo đến năm 2027 (tỷ đô la Mỹ). Nguồn: Statista 2025, https://www.statista.com/statistics/379046/worldwide-retail-e-commerce-sales/ |
Người tiêu dùng Việt Nam, với sự nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ, đang hồ hởi hòa mình mạnh mẽ vào xu hướng mua sắm toàn cầu trực tuyến này. Tuy nhiên, tấm huy chương nào cũng có hai mặt, mua sắm toàn cầu trực tuyến cũng vậy. Vậy đâu là mặt phải của tấm huy chương, đâu là mặt trái và chúng ta cần làm gì để người tiêu dùng Việt Nam có trải nghiệm mua sắm toàn cầu trực tuyến trọn vẹn, an toàn, hiệu quả?
“Mặt phải” của tấm huy chương khi mua sắm toàn cầu trực tuyến
Xu hướng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam những lợi ích thiết thực, có thể kể đến như:
Sự đa dạng về sản phẩm. Không còn bị giới hạn bởi thị trường nội địa, người tiêu dùng Việt có thể tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú từ khắp nơi trên thế giới. Một nghiên cứu của Nielsen năm 2024 cho thấy, 64% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến xuyên biên giới để tìm kiếm những sản phẩm không có sẵn ở thị trường nội địa[2].
Giá cả cạnh tranh. Các sàn thương mại điện tử quốc tế thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn, cho phép người tiêu dùng Việt so sánh giá cả từ nhiều nhà cung cấp trên toàn cầu để tìm kiếm lựa chọn tối ưu nhất. Theo khảo sát của PayPal năm 2024, 70% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ mua sắm trực tuyến xuyên biên giới vì giá cả cạnh tranh hơn so với thị trường nội địa[3].
Tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Mua sắm trực tuyến xuyên biên giới giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và công sức. Chỉ cần một chiếc smartphone hoặc máy tính có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi, không cần phải di chuyển đến cửa hàng, xếp hàng chờ đợi. Đặc biệt, đối với những người bận rộn, đây là một giải pháp mua sắm lý tưởng.
Tiếp cận xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Mua sắm trực tuyến xuyên biên giới giúp người tiêu dùng Việt Nam cập nhật những xu hướng tiêu dùng mới nhất trên thế giới, trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ tiên tiến, hiện đại. Điều này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về thế giới.
![]() |
Hình 2. Doanh thu trung bình trên mỗi người tiêu dùng theo ngành hàng trên toàn cầu từ năm 2017, dự báo đến 2029. Nguồn: Statista Market Insights, cập nhật tháng 10/2024, https://www.statista.com/outlook/emo/ecommerce/worldwide#revenue |
Từ những phân tích ở trên ta có thể thấy mua sắm trực tuyến xuyên biên giới mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam nhiều lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, người tiêu dùng cũng cần lưu ý đến những rủi ro tiềm ẩn để có những trải nghiệm mua sắm an toàn, hiệu quả.
“Mặt trái” của tấm huy chương khi mua sắm toàn cầu trực tuyến
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích hấp dẫn, mua sắm trực tuyến xuyên biên giới cũng tiềm ẩn những thách thức mà người tiêu dùng Việt Nam cần lưu ý như:
Rủi ro về chất lượng hàng hóa. Đây là một trong những rủi ro lớn nhất khi mua sắm trực tuyến xuyên biên giới. Người tiêu dùng khó có thể kiểm tra trực tiếp chất lượng hàng hóa trước khi mua, do đó, nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là rất cao. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, năm 2024, số vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực thương mại điện tử tăng 15% so với năm 2023[4]. Đặc biệt, các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử... thường là đối tượng làm giả, làm nhái phổ biến.
Vấn đề vận chuyển. Thời gian vận chuyển quốc tế thường kéo dài, có thể lên đến vài tuần, thậm chí vài tháng. Chi phí vận chuyển cũng cao hơn so với mua sắm trong nước, đặc biệt đối với những mặt hàng cồng kềnh. Bên cạnh đó, rủi ro thất lạc, hư hỏng hàng hóa trong quá trình vận chuyển cũng là điều người tiêu dùng cần cân nhắc.
Chính sách bảo hành, đổi trả. Khi mua hàng từ nước ngoài, việc bảo hành, đổi trả hàng hóa gặp nhiều khó khăn hơn so với mua hàng trong nước. Người tiêu dùng có thể phải chịu thêm chi phí vận chuyển quốc tế, thời gian chờ đợi lâu. Thậm chí, một số nhà cung cấp nước ngoài không có chính sách bảo hành, đổi trả rõ ràng, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Rào cản ngôn ngữ. Khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin sản phẩm, giao tiếp với nhà cung cấp nước ngoài bằng tiếng nước ngoài cũng là một trở ngại đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Mặc dù các sàn thương mại điện tử quốc tế đã hỗ trợ dịch thuật, nhưng đôi khi thông tin vẫn chưa được chính xác, đầy đủ.
An ninh thanh toán. Thanh toán quốc tế tiềm ẩn rủi ro về lộ thông tin thẻ tín dụng, gian lận trong thanh toán. Người tiêu dùng cần lựa chọn phương thức thanh toán an toàn, uy tín, bảo mật thông tin cá nhân cẩn thận.
Vấn đề thuế và hải quan. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về các quy định về thuế, hải quan khi mua hàng từ nước ngoài. Một số mặt hàng có thể bị đánh thuế nhập khẩu, phải làm thủ tục hải quan phức tạp.
Như vậy, mua sắm toàn cầu trực tuyến là cánh cửa mở ra một thế giới đa dạng sản phẩm, dịch vụ song cũng kèm theo những rào cản, thách thức không hề nhẹ đối với người tiêu dùng Việt Nam. Chỉ với một cú nhấp chuột, người tiêu dùng Việt Nam có thể chạm đến những điều tưởng chừng không thể, từ những món đồ độc đáo đến sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất. Nhưng đồng thời, cú nhấp chuột ấy cũng đặt ra những bài toán về an toàn, chất lượng và trách nhiệm.
Cần làm gì để cú “nhấp chuột” an toàn, hiệu quả
Để người tiêu dùng Việt Nam tận hưởng trọn vẹn mua sắm toàn cầu trực tuyến, đồng thời giảm thiểu rủi ro, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các bên liên quan, từ người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước,...
Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức
Trong thời đại số, người tiêu dùng cần trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành người mua sắm thông minh. Trước khi “nhấp chuột” đặt hàng, cần tìm hiểu kỹ thông tin về nhà cung cấp, sản phẩm, chính sách bảo hành, đổi trả, phương thức thanh toán... Nên lựa chọn các sàn thương mại điện tử uy tín, có chính sách bảo vệ người tiêu dùng rõ ràng. Học cách nhận biết hàng giả, hàng nhái, so sánh giá cả, đọc kỹ các điều khoản và điều kiện trước khi đặt hàng. Bên cạnh đó, cần bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng cho các website, ứng dụng không đáng tin cậy.
Hoàn thiện khung pháp lý
Cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài, cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ... Cần tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động của các sàn thương mại điện tử, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ về ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường quốc tế... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển các sàn thương mại điện tử, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới. Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, thông quan, thanh toán quốc tế...
Hợp tác quốc tế
Cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng nhái... Tham gia tích cực vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế về thương mại điện tử, đóng góp vào việc xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn chung cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Nói tóm lại, có thể nói mua sắm toàn cầu trực tuyến là tấm huy chương hai mặt, mang đến cả cơ hội và thách thức, mở ra một "thế giới phẳng" cho người tiêu dùng Việt Nam chạm tới hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú ở khắp thế giới chỉ với một cú nhấp chuột nhưng đi cùng là những rào cản, thách thức đòi hỏi người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng mua sắm trực tuyến thông minh, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ, minh bạch thông tin, cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường kiểm soát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ssự sáng suốt của người tiêu dùng, sự minh bạch của doanh nghiệp, và sự quản lý chặt chẽ từ nhà nước, chúng ta có thể biến nó thành công cụ thúc đẩy trải nghiệm mua sắm an toàn, hiệu quả, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế số và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
[1] Statista (2024). Cross-border e-commerce market size worldwide from 2014 to 2027.
[2] Nielsen (2024). The Connected Commerce Report 2024.