Theo TechInAsia, một fintech mua trước trả sau (BNPL) có trụ sở tại Việt Nam là Ree-Pay đang được rao bán, với lý do mô hình kinh doanh không tạo ra được nhiều lợi nhuận như kỳ vọng.
Lĩnh vực mua trước trả sau tại Việt Nam dường như đang trải qua giai đoạn thanh lọc khốc liệt, khi gần đây một Kỳ lân ngoại là Atome đã tuyên bố rút khỏi thị trường, còn startup Ree-Pay đang tìm cách bán mình cho ngân hàng.
Nhà sáng lập và CEO Ree-Pay - ông Dragan Bozic cho biết: "Có vẻ như các nhà đầu tư giai đoạn này chỉ muốn rót tiền vào các công ty đã phát triển và có lợi nhuận cao".
"Để tạo ra lợi nhuận mà không đốt tiền từ nhà đầu tư, nền tảng BNPL cần bán thêm các sản phẩm tài chính truyền thống - vốn nằm trong danh mục dịch vụ của ngân hàng", vị CEO nói với Tech in Asia.
Hiện Ree-Pay đang trong quá trình thẩm định với một số ngân hàng tại Việt Nam.
Chia sẻ của ông Dragan Bozic dường như trái ngược hoàn toàn với sự tự tin trước đây, khi CEO Ree-Pay cho rằng, nhu cầu trong khu vực với các giải pháp mua trước - trả sau đang tăng vọt. Công ty này thậm chí từng kỳ vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ mua trước - trả sau số 1 tại Việt Nam và top 3 tại Đông Nam Á trong năm 2023.
Ra mắt hồi năm 2020, Ree-Pay nhắm đến đối tượng khách hàng là nhóm người trong độ tuổi 18-35 tuổi, thu nhập bình quân ít nhất 15 triệu đồng (605 USD) mỗi tháng và những người không có thẻ tín dụng hoặc muốn tiếp cận các hình thức tín dụng nhanh chóng.
“Chúng tôi tin rằng nền tảng này có thể mang lại giá trị cao cho các ngân hàng hoặc các công ty tài chính tiêu dùng đang cạnh tranh để thu hút khách hàng trẻ tuổi”, ông nói thêm.
Sau 3 năm hoạt động, Ree-Pay trở thành đối tác quan trọng của các doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử như: Maison, Haravan, MoMo.
Việc Ree-Pay tìm cách bán mình cho ngân hàng đến từ thực tế khi số lượng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam đang ngày một nhiều lên.
Thị trường BNPL tại Việt Nam hiện là cuộc chơi giữa các startup cả ngoại và nội như: Krepo, MoMo, Fundiin, ZaloPay, hay Wowmelo, Movi và Lit. Rộng hơn, đây cũng là sân chơi của các công ty tài chính như: LotteFinance, Home Credit, FE Credit… thông qua liên kết với các ví điện tử.
Với tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng thấp và nhu cầu tiêu dùng cao, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp mua trước trả sau.
Tuy nhiên những doanh nghiệp này sẽ phải đối mặt với những thách thức, bao gồm thiếu dữ liệu đáng tin cậy của người tiêu dùng, nhận thức không đầy đủ về mua trước trả sau và sự cạnh tranh từ các ngân hàng cũng như các công ty cho vay tiêu dùng.
Đầu tháng này, một công ty mua trước trả sau có trụ sở tại Singapore, Atome đã xác nhận rút khỏi thị trường Việt Nam sau khi chân ướt chân ráo vào từ tháng 4/2022.
Tú Anh (t/h)