Sự phát triển kinh tế số không thể thiếu các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số trong khu vực kinh tế chia sẻ, tài chính, thương mại, giao thông vận tải, y tế… Nền tảng số là tác nhân trung tâm của nền kinh tế số, cho phép người dùng và nhà sản xuất tương tác với nhau. Nền tảng số bao gồm, nền tảng giao dịch, nền tảng đổi mới và nền tảng tích hợp.
Tỷ lệ người dùng các nền tảng số của Việt Nam hiện nay chiếm hơn 20% tổng số người dùng các nền tảng số trên di động. Trong tổng số gần 6,8 tỷ giờ người dùng dành các nền tảng số, thời gian sử dụng các nền tảng số của Việt Nam chiếm 13,77%. Mỗi tháng người dùng smartphone dành gần 10 tiếng cho các nền tảng số Việt Nam.
Theo Bộ TT&TT, tháng 8/2022, tổng số người dùng trên các nền tảng số Việt Nam đạt mức trên 494 triệu, tăng 23,56% so với cùng kỳ năm trước, tăng 12,64% so với tháng 1/2022 và tăng 18,45% so với tháng trước.
Tháng 8/2022 cũng ghi nhận tổng thời gian người dùng sử dụng các nền tảng số (của Việt Nam và nước ngoài) đạt hơn 6,78 tỷ giờ, tăng 2,67% so với tháng 1/2022 và tăng 2,25% so với tháng trước.
Trong đó, thời gian sử dụng nền tảng số của Việt Nam là hơn 934 triệu giờ, chiếm 13,77% so với tổng thời gian sử dụng trên toàn bộ các nền tảng, tăng 1,2% so với tháng trước. Mỗi người dùng smartphone dành khoảng 9,93 giờ/tháng sử dụng các nền tảng số Việt Nam, tăng 4,67% so với tháng 1/2022 và tăng 11,44% so với tháng trước.
Tỷ lệ người dùng các nền tảng số của Việt Nam trong tháng 8 chiếm khoảng 20,33% tổng số người dùng các nền tảng số trên thiết bị di động. Trong đó, các nền tảng số Việt Nam chủ yếu tập trung ở nhóm nền tảng có từ 1- 5 triệu người dùng. Tính đến nay Việt Nam đã có 5 nền tảng góp mặt trong nhóm nền tảng có trên 10 triệu người dùng hàng tháng là Zalo (75 triệu), Zing Mp3 (23,6 triệu), ví Momo (19,6 triệu), Báo Mới (15,5 triệu), Vietcombank (12 triệu).
Theo Chỉ số xã hội số của GSMA tháng 8/2022 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 7 trong các quốc gia thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương về xã hội số (sau Australia, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia). Trong đó, xếp thứ 5 điểm số về trụ cột thương mại số và xếp thứ 7 điểm số về phong cách sống số.
Xu hướng người dùng các nền tảng số trên thiết bị di động vẫn đang tiếp tục gia tăng với số lượng lượt tải ứng dụng mới trên các thiết bị di động từ hai kho Google Play và Apple Store tại Việt Nam đạt khoảng 312 triệu lượt (tăng 19% so với tháng trước). Trong đó chủ yếu là tải về từ kho ứng dụng Google Play với tỷ lệ tải về là 78,22%, các thiết bị iOS gần 22% lượng tải mới. Với con số này, Việt Nam dự kiến tiếp tục xếp hạng thứ 7 toàn cầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên các thiết bị di động (sau Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Indonesia, Trung Quốc và Mexico).
Các nền tảng số lớn tại Việt Nam hiện nay có Zalo với hơn 75 triệu người dùng hàng tháng (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và 1% so với thời điểm đầu năm), Facebook với hơn 65,7 triệu người (tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước) và Shopee với gần 44,5 triệu người (tăng 25,69% so với cùng kỳ năm trước).
T.H