Tọa đàm “Giải pháp quản lý tài sản và bảo tồn di sản gia tộc” đã thu hút sự quan tâm, tham dự của các diễn giả, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực: Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ; TS. Hoàng Văn Lễ, Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ; GS.TS. Nguyễn Khắc Thuần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trang phục Việt; Đạo diễn Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam; Th.S Trần Quốc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Liên kết Trần Gia, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam, Chủ tịch CLB Doanh nhân họ Trần; Th.S Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn Quốc tế CIB.
Toạ đàm được điều phối bởi hai doanh nhân uy tín gồm Th.S Kiều Công Thược, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Nam (VNFUND) và Th. S Nguyễn Châu Linh, Chủ nhiệm CLB Bách gia Tinh hoa, Chủ tịch Học viện Thương hiệu Kim cương (DBI), Tổng Giám đốc Tập đoàn Hành trình Kim cương.
Tọa đàm “Giải pháp quản lý tài sản và bảo tồn di sản gia tộc”. |
Tại đây, các diễn giả đã chia sẻ, thảo luận về tầm quan trọng của di sản gia tộc trong việc định hình bản sắc cá nhân, dòng họ và cả cộng đồng. Theo đó, di sản gia tộc không chỉ là tài sản hữu hình như đất đai, tài chính, mà còn là những giá trị phi vật chất như văn hóa, truyền thống, lịch sử và những câu chuyện được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những giá trị này không chỉ tạo nên bản sắc riêng cho từng gia tộc mà còn góp phần làm giàu thêm di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, vai trò của công nghệ trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã được khẳng định. Các diễn giả đã nhấn mạnh số hóa tài liệu, hệ thống hóa dữ liệu và xây dựng nền tảng trực tuyến như Ngân hàng Di sản số DJC (DJC HBank - djc.vn) chính là những giải pháp hiệu quả để bảo vệ di sản một cách bền vững, giúp di sản dễ tiếp cận hơn với thế hệ trẻ. Đồng thời, việc giáo dục thế hệ kế thừa - những “đại sứ văn hóa” được công nhận là yếu tố then chốt trong việc tiếp nối và lan tỏa giá trị gia tộc thời đại mới.
Nhà ngoại giao Phạm Quang Vinh bày tỏ rằng, những yếu tố về gia đình, dòng họ và dân tộc tồn tại trong dòng chảy nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai; cần có phương pháp phù hợp để tiếp cận, tuyên truyền, giáo dục các thế hệ hậu duệ về truyền thống dòng tộc.
Trong khi đó, theo TS. Hoàng Văn Lễ, tài sản gia tộc không chỉ có giá trị về vật chất mà còn có giá trị lớn về tinh thần. Hiện nay, nhiều quốc gia đã tận dụng công nghệ để ghi lại gia phả của các dòng tộc. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần đưa những ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình ghi lại lịch sử dòng họ, quản lý tài sản và bảo tồn di sản gia tộc.
Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần đã khẳng định gia phả có giá trị to lớn đối với dòng họ. Ông Thuần hiểu hơn về lịch sử - văn hóa Việt Nam ở nhiều cấp độ thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu gia phả. Bàn về việc phát huy niềm tự hào về cội nguồn và dòng tộc, Đạo diễn Nguyễn Trường Sơn bộc bạch, cần tăng cường truyền thông về lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước trong các thế hệ; những người lớn trong gia tộc cần thể hiện sự gương mẫu để con cháu noi theo.
Nhằm lý giải tại sao ở Việt Nam, chưa có nhiều sự quan tâm đến việc kế thừa, phát huy tài sản, di sản gia tộc, Th.S Trần Quốc Tuấn đã kể lại những câu chuyện thực tế và nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trong việc bảo tồn di sản gia tộc. Với Th.S Mã Thanh Danh, cần học hỏi các nước trên thế giới về phương cách lan tỏa niềm tự hào gia tộc và ứng dụng công nghệ không chỉ trong công tác giáo dục gia tộc mà còn trong việc quản lý hệ gen của dòng họ.
Dịp này, Th.S Trần Quốc Duy - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và Truyền thông quốc tế (IMRIC), Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân họ Trần đã đặt vấn đề về thực trạng hiện nay, những hậu duệ đời sau của nhiều dòng họ không mặn mà với nghề nông trong khi nền nông nghiệp Việt Nam đang thiếu lao động có tay nghề cao; qua đó, ông Duy đề xuất cần quan tâm đến cách khơi gợi tình yêu nông nghiệp trong các gia tộc.
Song song đó, Tiến sĩ - Võ sư Hồ Tường, một vị khách mời cho rằng, những nét đẹp truyền thống của các dòng tộc cần được lan tỏa không chỉ trong nội bộ dòng tộc mà nên mở rộng hơn nữa trong cộng đồng, xã hội và cả trên trường quốc tế.
Được biết, Tọa đàm “Giải pháp quản lý tài sản và bảo tồn di sản gia tộc” diễn ra nhân dịp Câu lạc bộ Bách gia Tinh hoa (Elite Families Club - EFC) chính thức ra mắt, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản gia tộc Việt Nam của Tập đoàn Hành trình Kim cương.
Qua đó, Viện Lịch sử Dòng họ và Công ty Cổ phần Học viện Thương hiệu Kim cương (DBI) đã phối hợp tổ chức buổi lễ ra mắt EFC nhằm kết nối tinh hoa, truyền cảm hứng và tôn vinh những giá trị truyền thống bền vững của các gia tộc Việt. Hơn 150 khách mời là các nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử, nhà ngoại giao, đại diện các dòng họ, doanh nhân, học sinh - sinh viên đã dành nhiều sự quan tâm và chứng kiến sự khai sinh của EFC.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi nhịp sống hối hả và sự phát triển của công nghệ khiến nhiều người dần mất kết nối với cội nguồn, EFC ra đời với sứ mệnh khơi dậy niềm tự hào cội nguồn, bảo tồn giá trị di sản và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cá nhân, gia đình và quốc gia.
EFC được bảo trợ bởi Viện Lịch sử Dòng họ - một tổ chức khoa học và công nghệ thành lập từ năm 2013, chuyên nghiên cứu và bảo tồn giá trị lịch sử dòng họ; và được vận hành bởi Học viện Thương hiệu Kim cương (DBI) - thành viên Tập đoàn Hành trình Kim cương (DJC), đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bảo tồn di sản, truyền thông thương hiệu, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Với tầm nhìn dài hạn, EFC đặt mục tiêu trở thành không gian kết nối tinh hoa gia tộc Việt Nam trên toàn cầu, xây dựng một cộng đồng đa thế hệ, đồng thời hiện đại hóa cách tiếp cận di sản bằng công nghệ số. Năm trụ cột hoạt động chính của EFC bao gồm: phát triển đại sứ văn hóa, tôn vinh thế hệ kế thừa, xuất bản các ấn phẩm giá trị, cung cấp giải pháp truyền thông thương hiệu, và tổ chức giao lưu văn hóa toàn cầu.
Đồng thời, EFC đã ra mắt ấn phẩm “Gia phả học Tinh hoa” - một tài liệu chuyên sâu do Thạc sĩ Nguyễn Châu Linh chủ biên. Góp sức trong việc xây dựng ấn phẩm trên là các đồng chủ biên gồm chuyên gia thương hiệu Danny Võ, TS. Nguyễn Minh Khiêm cùng nhóm biên tập viên gồm bà Lê Nguyễn Minh Thu và ông Phan Kim Hùng. Cuốn sách không chỉ là một cẩm nang nghiên cứu về ý nghĩa và vai trò của gia phả mà còn là lời mời gọi khám phá nguồn cội, giúp các gia đình hiểu sâu sắc hơn về giá trị tinh thần của di sản dòng họ.
Ngoài ra, EFC đã công bố dự án trao tặng 1 triệu bản ebook “Gia phả học Tinh hoa” cho các gia đình và trường học trên khắp thế giới. Với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Đầu tư Asia Dragon (ADC), dự án kêu gọi cộng đồng cùng gìn giữ và phát huy di sản gia tộc, nâng cao ý thức “Uống nước nhớ nguồn” trong mỗi con người Việt Nam.
EFC không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn giá trị truyền thống mà còn hiện đại hóa cách tiếp cận di sản. Với nền tảng Ngân hàng Di sản DJC (DJC HBank) và giải thưởng thường niên Brand Review Award, EFC đang tích cực xây dựng một hệ sinh thái kết nối và lưu giữ giá trị văn hóa gia tộc, từ đó giúp các gia đình dễ dàng tiếp cận và lan tỏa tinh hoa của dòng họ trong kỷ nguyên số. Không chỉ tôn vinh quá khứ, EFC còn là cầu nối để kiến tạo một tương lai giàu bản sắc, nơi mỗi cá nhân đều tự hào là một phần trong tiến trình lịch sử và văn hóa Việt Nam.