Siết chặt quản lý kinh doanh hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

07:45 12/12/2020

Mua bán hàng trực tuyến đã có những lúc trở thành "thiên đường" của hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng... Vì vậy việc siết chặt quản lý kinh doanh hàng hóa trên sàn thương mại điện tử được coi là cấp thiết để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Trong vài năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của các website thương mại điện tử (TMÐT) đã đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng (NTD). Một phương thức kinh doanh mới, phù hợp với cuộc sống hiện đại, đưa sự thuận lợi trong mua sắm đến với NTD khi không phải đến tận nơi giao dịch giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Tuy nhiên, đi cùng với đó thì việc siết chặt quản lý kinh doanh hàng hóa trên sàn thương mại điện tử được coi là cấp thiết để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh sự chủ động của DN, rất cần sự chung tay của NTD trong phản hồi, thông tin về những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, không đạt chất lượng.

Loại bỏ hàng giả, hàng nhái

Theo Bộ Công Thương, Nghị định 52/2013/NĐ-CP với những quy định mở nhằm tạo điều kiện và kích thích thương mại điện tử (TMĐT) phát triển đã không còn phù hợp trong bối cảnh mua - bán hàng online phát triển chóng mặt. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nhiệm vụ chủ trì sửa đổi nghị định này theo hướng tạo hành lang pháp lý và căn cứ cụ thể để kiểm soát hàng giả, minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ…

Những sửa đổi, bổ sung mới của Nghị định 52 tập trung vào các vấn đề chính như thu gọn đối tượng ứng dụng TMĐT phải thực hiện thủ tục hành chính, xác thực danh tính người bán nước ngoài, minh bạch thông tin, hàng hóa dịch vụ… Trong những sửa đổi này, việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được các sàn TMĐT và NTD đặc biệt quan tâm. Cụ thể, việc sửa đổi quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT tại Điều 30 Nghị định 52 sẽ theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, đồng thời các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa.

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 nhằm hướng tới minh bạch thông tin hàng hoá trong thương mại điện tử
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 nhằm hướng tới minh bạch thông tin hàng hoá trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng bổ sung quy định về thông tin vận chuyển và giao nhận tại điểm d khoản 1 Điều 33 Nghị định 52; theo đó, bổ sung quy định về việc phân định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận, đảm bảo điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT tại Điều 36; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về quy chế hoạt động của sàn giao dịch TMĐT tại Điều 38 để đồng bộ với việc bổ sung tăng cường trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT.

Cần sự chung tay của doanh nghiệp và người dùng 

Trong khi đó, để bảo vệ chính mình khi bán hàng trên các sàn TMĐT, nhiều DN có những trang TMĐT đã xây dựng nhiều biện pháp phòng vệ khác nhau. Ông Nguyễn Chí Thọ, Giám đốc kinh doanh sàn TMĐT Tiki, cho biết một trong những thử thách của TMĐT tại Việt Nam hiện nay chính là niềm tin của khách hàng chưa cao. Chính vì vậy, để siết chặt quản lý kinh doanh hàng hóa trên sàn TMĐT, đồng thời tạo môi trường cho các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, ngoài sự chủ động của sàn TMĐT và doanh nghiệp, vẫn rất cần sự chung tay của người dùng trong phản hồi, thông tin về những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, không đạt chất lượng để cơ quan quản lý có cơ sở xử lý kịp thời.

Mua sắm hàng hóa trực tiếp giúp kiểm tra chất lượng hàng hóa chặt chẽ nhưng lại tốn thời gian của khách hàng.

“Hiện nay, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Tiki cho biết đang áp dụng chính sách đền bù 111% cho người tiêu dùng nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái trên sàn Tiki. Để thực hiện được điều này, Tiki luôn siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào cho đến khi sản phẩm đến tay khách hàng", ông Nguyễn Chí Thọ nói thêm.

Theo các sàn TMĐT, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, rất cần người tiêu dùng chung tay trong việc cảnh báo với những sản phẩm hàng giả, hàng nhái.
Theo các sàn TMĐT, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, rất cần người tiêu dùng chung tay trong việc cảnh báo với những sản phẩm hàng giả, hàng nhái..

Trong khi đó, đại diện sàn TMĐT Shopee cho biết, Shopee luôn phối hợp chặt chẽ với các nhãn hàng và chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy trình “Giải quyết khiếu nại quyền sở hữu trí tuệ” và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu nhãn hiệu để xác minh và loại bỏ hàng giả/hàng nhái theo trình tự pháp luật. Ngoài ra, việc thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng giả, hàng nhái với các sản phẩm mới được đăng bán và sản phẩm đã được đăng bán trên toàn sàn được Shopee thực hiện định kỳ ít nhất một lần/tháng.

Công ty này còn thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản hồi thông tin, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định. Đặc biệt là áp dụng hệ thống Sao Quả Tạ - tức hệ thống điểm phạt để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng Shop. Theo đó, Shop càng có nhiều điểm phạt thì càng được hưởng ít hỗ trợ hơn từ Shopee và hình phạt cao nhất của hệ thống là tạm khoá tài khoản bán hàng trong 28 ngày.

Cùng với thuận lợi do thói quen mua sắm thay đổi sau đại dịch, chất lượng hàng hóa đảm bảo cùng chữ tín trong giao dịch vẫn là yếu tố quyết định người tiêu dùng có thực sự tin tưởng vào các trang thương mại điện tử. Trường hợp khách hàng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cần phản hồi lại với các sàn TMĐT để có sự hỗ trợ, đền bù cho thỏa đáng với quyền lợi của khách hàng.

Theo thống kê của Sách trắng TMÐT 2020, số người Việt Nam tham gia mua sắm online năm 2019 đã cán mốc 44,8 triệu người. Doanh thu bán lẻ TMÐT năm 2019 đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 2,5 lần so mức 4 tỷ USD năm 2015, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự đoán tốc độ tăng trưởng của TMÐT Việt Nam năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô sẽ vượt 15 tỷ USD. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển TMÐT với tốc độ tăng trưởng thuộc tốp 3 trong khu vực Ðông Nam Á.

Bảo Bảo