Lạm phát giảm kích thước (Shrinkflation) tăng tốc chóng mặt trong năm 2022

20:51 26/12/2022

Shrinkflation - “lạm phát thu nhỏ” không hề mới. Nhưng hiện tượng này đang diễn ra nhanh chóng trong thời kỳ lạm phát cao, các doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí nguyên liệu, đóng gói, nhân công và vận chuyển ngày càng tăng. Thay vì tăng giá thì công ty giảm kích thước sản phẩm để giữ nguyên giá.

Shrinkflation là sự kết hợp giữa shrink (nghĩa là thu nhỏ) và inflation (trong kinh tế có nghĩa là lạm phát), “Shrinkflation” nghĩa là lạm phát giảm kích thước.

Shrinkflation về bản chất được cho là một dạng của “lạm phát ẩn”, vì khi một món hàng được giữ nguyên giá nhưng giảm khối lượng thì về cơ bản vẫn là tăng giá đơn vị.

Từ khoá shrinkflation bắt đầu xuất hiện trên thống kê của Google Trends vào năm 2015. 

So sánh khối lượng hoặc số lượng của một số mặt hàng tại siêu thị Anh. (Ảnh: Daily Mail)
So sánh khối lượng hoặc số lượng của một số mặt hàng tại siêu thị Anh. (Ảnh: Daily Mail).

Tuy nhiên, theo Edgard Dworsky, nhà sáng lập của 2 chuyên trang Consumer World và Mouse Print, shrinkflation đã được các thương hiệu biết đến và sử dụng trong hơn thập kỷ qua. Sản phẩm đầu tiên xuất hiện trong hạng mục "Downsizing/Shrinkflation" của Mouse Print là bột giặt Tide vào năm 2006.

Theo thống kê của ONS (Văn phòng Thống kê Anh quốc), riêng trong khoảng 2012-2017 đã có khoảng 2500 sản phẩm đã giảm kích thước trong khi vẫn giữ nguyên giá. Một khảo cứu ở Tokyo Disneyland vào cuối năm 2021 cũng cho thấy có đến 400 loại hàng hoá và dịch vụ được áp dụng chiến lược shrinkflation.

Đặc biệt khi chỉ số lạm phát tăng cao trong thời điểm đại dịch, các bài báo viết về shrinkflation lại càng tăng vọt. Năm nay, shrinkflation đạt đến “tầm cao” mới khi hồi tháng 6, các lượt tìm kiếm “shrinkflation” tăng cấp 5 lần, theo thống kê từ Google Trends.

Trong năm 2022, không có gì ngạc nhiên khi “shrinkflation” trở thành xu hướng. Hàng loạt thương hiệu thi nhau giảm kích thước sản phẩm, từ Gatorade cho đến Charmin hay Pizza 4Ps. Nếu trong thời kỳ trước, quá trình lạm phát kích thước diễn ra “âm thầm” và thương hiệu nghĩ rằng người tiêu dùng không chú ý, thì bây giờ người tiêu dùng đang chú ý và có những động thái rõ rệt.

Chẳng hạn trên TikTok, các video có hashtag #shrinkflation thu hút hơn 296 triệu lượt xem. Hoặc chủ đề “shrinkflation” trên Reddit cũng có hơn 44,900 thành viên.

Một điều đáng lo ngại cho các thương hiệu là theo một báo cáo hồi tháng 8 của công ty nghiên cứu thị trường Morning Consult, thì gần một nửa (48%) người được hỏi nói rằng sẽ chọn thương hiệu khác nếu phát hiện thương hiệu đang sử dụng biện pháp giữ giá bán và giảm kích thước.

Theo bà Emily Moquin, một chuyên gia phân tích F&B ở Morning Consult, tác giả bài báo cáo, thì kết quả khảo sát này cũng chưa đủ sức làm “lay chuyển” thương hiệu. Bà cho rằng trước khi bước vào con đường giữ giá giảm kích thước, thì các thương hiệu chắc chắn đang ở thế kẹt. Khi đó họ có hai lựa chọn: hoặc tăng giá hoặc giữ giá giảm kích thước. Và với hai phương án chẳng mấy vui vẻ này, thì ý tưởng giữ giá giảm kích thước đôi khi lại tốt hơn.

Hiện tượng “shrinkflation” đang phát triển không biên giới. Ở Philippines, chính phủ hồi tháng 8 thông báo sẽ điều tra xem các doanh nghiệp, bao gồm cả nhà hàng và quán cà phê, có đang thực hiện hành động giảm khẩu phần nhưng giữ nguyên giá hay không. Còn ở Na Uy, lạm phát giảm kích thước tràn lan đến nỗi Hội Đồng Ngôn Ngữ Na Uy chọn “shrinkflation” làm từ ngữ của năm. Dĩ nhiên có một chút khác biệt, vì họ không chọn chữ tiếng Anh “shrinkflation”, mà dùng từ tiếng Na Uy là “krympflasjon”. 

Nguồn: CNA Insider. | Ảnh thiết kế bởi Loi Phan cho Vietcetera
Nguồn: CNA Insider. | Ảnh thiết kế bởi Loi Phan cho Vietcetera.

“Lạm phát thu nhỏ” hấp dẫn các nhà sản xuất vì khách hàng thường có thể nhận thấy giá tăng nhưng ít khi theo dõi khối lượng tịnh hoặc các chi tiết nhỏ. Lý do khiến lần ‘lạm phát thu nhỏ’ này lớn là vì lạm phát thực tế đang diễn ra trên toàn cầu".

Tuy nhiên, shrinkflation cũng có thể gây phản tác dụng. Trong khi những thay đổi như tăng kích thước mới thường được các thương hiệu thông báo trên bao bì, việc giảm kích thước lại hiếm khi. Thế nên khi khách hàng phát hiện ra "shrinkflation", họ có thể có cảm giác như bị lừa dối.

Một trong những cách tốt nhất để nhận biết shrinkflation là kiểm tra các thông số trên bao bì cẩn thận. Tuy nhiên, thực tế không có biện pháp nào là hiệu quả hoàn toàn nếu chỉ xuất phát từ một phía.

 Để hướng tới lợi ích chung, có lẽ các thương hiệu cần thực sự gây dựng được sự tin tưởng với khách hàng. Qua đó, khi họ buộc phải tăng giá (do lạm phát, giá nguyên liệu tăng, giá vận chuyển tăng,...) thì khách hàng có thể đồng cảm và chấp nhận mua giá cao để đổi lại sản phẩm có chất lượng tương xứng.

 D.A (Tổng hợp)