RMIT Việt Nam tổ chức liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2022

21:54 19/11/2022

Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2022 do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và COLAB Vietnam, cùng các đối tác đa dạng gồm cá nhân, nhóm, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, thực hiện với sự bảo trợ truyền thông từ Hanoi Grapevine.

Ảnh minh họa
Giáo sư Julia Gaimster Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam.

Giáo sư Julia Gaimster Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, chúng tôi đã thiết kế một loạt các hoạt động thử thách có tính sáng tạo để tạo cảm hứng cho quý vị và giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về vai trò của sáng tạo và thiết kế trong xã hội, cũng như hiểu được hai lĩnh vực này đã cải thiện cuộc sống và hỗ trợ phát triển kinh tế như thế nào. 

Hồi giữa tháng 7, chúng tôi đã khởi động Liên hoan với sân chơi Thách thức sáng tạo - một mô hình bắt cặp hai thí sinh, hai nhóm, hai tổ chức hoặc hai doanh nghiệp hoạt động trong ít nhất hai lĩnh vực sáng tạo khác nhau, cùng hợp tác làm việc với nhau để xây dựng ý tưởng và sản xuất sản phẩm/tác phẩm mẫu hoặc dịch vụ văn hóa và sáng tạo. 

Những người tham gia sân chơi có cơ hội gắn kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng để cùng phát triển và đạt mục tiêu chung là tạo ra một sản phẩm sáng tạo theo chủ đề “Thay đổi vì sự phát triển bền vững”. 

Liên hoan này dành cho tất cả mọi người, từ những người trong ngành sáng tạo và thiết kế, cho đến những ai tò mò và muốn hiểu thêm về lĩnh vực này. Tương tự những kỳ Liên hoan trước, đa số các hoạt động đều mở cửa miễn phí.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Triển lãm trưng bày các tác phẩm và không gian nghệ thuật của những cặp thí sinh tham gia sân chơi Thách thức sáng tạo 2022.

Triển lãm đây/đó thể hiện kết quả của một năm hợp tác giữa các nhà thiết kế mới ở Việt Nam và các nhà thiết kế và nghệ nhân tại Australia trong khuôn khổ dự án đây/đó. Đây là sự giao thoa khả thể giữa thực hành thủ công truyền thống và thực hành thiết kế/thời trang chuyên nghiệp giữa Việt Nam và Australia.

Nhiều buổi nói chuyện và thảo luận xoay quanh việc thực hành sáng tạo tại Việt Nam và ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Triển lãm Thách thức Sáng tạo 2022 tại TP. HCM trưng bày 05 tác phẩm/không gian nghệ thuật của 05 cặp đôi sáng tạo tham gia sân chơi Thách thức Sáng tạo (thuộc khuôn khổ VFCD 2022). 05 tác phẩm/không gian nghệ thuật này là thành quả làm việc nhóm giữa các cặp đôi trong ba tháng, với sự giúp đỡ của hội đồng cố vấn và tài trợ một phần kinh phí từ VFCD.

Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT, trưởng ban tổ chức liên hoan cho biết: “Chúng ta phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách trong hơn hai năm qua. Nhưng cũng qua đó, chúng ta đã tìm thấy sự kiên trì nhẫn nại và nguồn năng lượng mới. Chúng ta bị đặt vào tình thế bắt buộc phải nghĩ khác, làm khác và thay đổi quan điểm về thế giới”.

“Thông qua liên hoan này, chúng tôi đem đến các hoạt động thách thức và sáng tạo để tạo cảm hứng cho quý vị và giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về vai trò của sáng tạo và thiết kế trong xã hội, cũng như hiểu được hai lĩnh vực này cải thiện cuộc sống và hỗ trợ phát triển kinh tế như thế nào”.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ thêm: “Chủ đề ‘thay đổi’ đặc biệt phù hợp với bối cảnh hiện nay vì chúng ta đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng từ COVID-19 – vốn đã ảnh hưởng đáng kể đến ngành văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Các nghệ sĩ, nhà thiết kế và người thực hành văn hóa-nghệ thuật đã phải thích ứng với tình hình mới. Do đó, chủ đề thích nghi với sự thay đổi rất mang tính thời sự”.  

Dưới đây là danh sách các tác phẩm/không gian sáng tạo sẽ góp mặt trong triển lãm:

1. Tác phẩm “Thật Hư” của NTK Linh Trịnh và Nghệ sĩ Trần Thảo Miên

Với tinh thần kết hợp kĩ thuật truyền thống và thiết kế hiện đại, hai nghệ sĩ cộng tác với nghệ nhân làng Triều Khúc, làng Hà Thái (làng sơn mài) và làng Đại Bái (chạm khắc đồng) để nghiên cứu và tạo ra tác phẩm mang tính ý niệm về chiếc chổi lông gà “Thật Hư” mềm dẻo, duyên dáng. Tác phẩm có sự kết hợp của ít nhất hai kỹ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống với suy tư đương đại, nhằm lật ngược định kiến về vai trò của phụ nữ và vấn đề bạo lực gia đình.

2. Tác phẩm “Than thở” của Nghệ sĩ Trần Thảo Miên và Kiến trúc sư Nguyễn Hà

Chất liệu trung tâm của dự án lần này là than đá – một nhiên liệu đại diện cho bóng tối và sự huyền bí, vừa tạo ra năng lượng cho cuộc sống, vừa hủy diệt sự sống trên trái đất. Cặp đôi muốn thử thách chính bản thân mình khi tạo tác phẩm ánh sáng qua việc biến than đá – một nhiên liệu có tính đen đặc, khó đoán định – thành một chất liệu xốp, mềm, trong suốt, mang những đặc tính đối lập để kể câu chuyện THAN… biết “thở”.

3. Tác phẩm “Sống” của The Sun Lab và Nguyễn Huyền Châu

Dự án “Sống” mang tới sản phẩm là một bộ kit các nguyên liệu đan lát thủ công bằng vật liệu truyền thống, phù hợp với giới trẻ ở các thành phố lớn vốn ít có điều kiện tiếp xúc với làng nghề. Sản phẩm kì vọng trở thành một phương án giúp giới trẻ giảm tải căng thẳng, tăng sự tập trung và khơi gợi tìm hiểu về thủ công mĩ nghệ truyền thống. Ngoài ra, cặp đôi còn xây dựng kho lưu trữ các hoa văn đan lát trực tuyến cho công chúng với các hoa văn vật liệu từ các làng nghề tại Việt Nam.

4. Tác phẩm Đám Cưới Miền Tây của nhóm nghệ sĩ Insomniaction Collective

Là một nhóm sáng tạo đa ngành mới thành lập, Insomniaction Collective mong muốn sẽ trở thành nơi tụ hội và kết nối của các nghệ sĩ, nhóm sáng tạo, và nhà khoa học bằng cách thu hút họ tham gia, đóng góp trong các sự kiện nghệ thuật độc đáo cùng chủ đề. Lần này, Insomniaction Collective trình làng chuỗi sự kiện và tác phẩm chủ đề Đám Cưới Miền Tây với nhiều góc nhìn khác biệt đến từ nhiều nghệ sĩ khác nhau.

 5. Không gian “Crafting a Sonic City” của Officine Gặp và HUM

“Crafting a Sonic City” là một không gian trưng bày nhằm khám phá vai trò của tiếng ồn và âm thanh đối với sự phát triển thành phố, di sản phi vật thể và bản sắc. Dự án muốn kết hợp chất lượng âm thanh với nghiên cứu đô thị, kết nối các nghệ sĩ âm thanh và nhà hoạch định đô thị để phát triển cách tiếp cận mới về phương phát thiết kế đô thị, sử dụng âm thanh và tiếng ồn như công cụ để nhận thấy quá trình phát triển của cộng đồng và nơi chốn. Không gian trưng bày của nhóm tại VFCD 2022 là một mốc trên chặng đường dài của dự án.

Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM, cho biết về dự án đây/đó, một điểm nổi bật trong liên hoan năm nay: “Dự án là một cơ hội tuyệt vời để mở rộng hơn nữa mối quan hệ chặt chẽ và nhiều mặt của Australia và Việt Nam thông qua nghệ thuật và văn hóa – hai yếu tố thiết yếu trong mối quan hệ được xây dựng dựa trên liên kết giữa con người với con người. Bằng cách tham gia vào dự án này, chúng tôi hy vọng các nghệ sĩ đã, đang và sẽ nâng cao kỹ năng và kiến thức của họ, cũng như có cơ hội để giới thiệu và bán sản phẩm ra quốc tế. Điều này sẽ xây dựng danh tiếng của Việt Nam như một trung tâm sáng tạo cũng như tăng cường thương mại và tạo doanh thu cho ngành ở cả hai nước.”

Mỹ Dung