Rạng Đông (RAL): Tốc hành và điểm gợn

08:56 27/02/2021

Trong những năm qua, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HoSE: RAL) đã và đang trình diễn một vũ điệu đẹp mắt về doanh thu lẫn lợi nhuận. Thế nhưng chất lượng tài sản và nợ vay lại là những điểm gợn khiến vũ điệu ấy tiềm tàng bất ổn.

  Rạng Đông (RAL): Tốc hành và điểm gợn.

Doanh thu tăng mạnh, phải thu “bốc đầu”

2020 có thể nói là một năm kinh doanh thành công của Rạng Đông khi doanh thu thuần “lập đỉnh” trong vòng 15 năm qua, đạt 4.922 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm trước. Lãi sau thuế tăng còn mãnh liệt hơn, tăng 167%, đạt 336 tỷ đồng. Đây là sự hồi phục ấn tượng của Rạng Đông sau sự cố hỏa hoạn làm thiệt hại 359 tỷ đồng hồi tháng 8/2019.

Tuy nhiên, tăng trưởng không đồng nghĩa với hoàn hảo. Chất lượng tài sản của Rạng Đông đang cho thấy những vấn đề của chính tăng trưởng. Cụ thể, tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Rạng Đông đạt 4.027 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu kỳ. Đóng góp chính cho sự tăng trưởng này là sự gia tăng đột biến của các khoản phải thu ngắn hạn, từ 1.217 tỷ đồng lên 2.091 tỷ đồng, tương đương tăng 72%.

Đi liền với đó, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng “bốc đầu” từ 5,2 tỷ đồng lên 73,8 tỷ đồng, tức tăng hơn 14 lần.

Tồn kho của Rạng Đông những năm qua liên tục suy giảm, nhưng giá trị vẫn khá lớn, đạt 656 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc năm 2020. Tính chung, giá trị của hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm gần 70% tổng tài sản của công ty.

Trên thực tế, những vấn đề về chất lượng tài sản của Rạng Đông không phải tới năm 2020 mới hiện ra. Sự gia tăng của các khoản phải thu ngắn hạn là một quá trình tiệm tiến liên tục, ít nhất từ 2016, cụ thể: năm 2019 tăng 44% so với năm 2018, năm 2018 tăng 26% so với năm 2017, năm 2017 tăng 121% so với năm 2016.

Tỷ trọng của các khoản phải thu ngắn hạn trong tổng tài sản, từ chỗ rất thấp, 16% (năm 2016) đã tăng mạnh lên 30,6% (năm 2017) rồi 34,6% (năm 2018), 49% (năm 2019) và 52% (năm 2020).

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh của Rạng Đông năm 2020 rơi vào trạng thái âm (-34 tỷ đồng), tương tự như năm 2018 (-46 tỷ đồng).

Đòn bẩy lớn

Là doanh nghiệp sản xuất, không quá ngạc nhiên khi 3/4 tài sản của Rạng Đông được hình thành từ nợ phải trả. Năm 2020, nợ phải trả cán mốc 2.947 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu kỳ. Tuyệt đại đa số là nợ ngắn hạn mà chủ yếu là nợ vay (1.845 tỷ đồng) – chiếm 62,6% tổng nợ phải trả. Như vậy, gần một nửa tổng tài sản của Rạng Đông được tài trợ bằng nợ vay.

Rạng Đông đã tăng cường vay nợ một cách đều đặn trong những năm qua: 1.090 tỷ đồng (năm 2016), 1.172 tỷ đồng (năm 2017), 1.247 tỷ đồng (năm 2018), 1.391 tỷ đồng (năm 2019) và đột ngột tăng mạnh lên 1.845 tỷ đồng (năm 2020) – tăng 32,5% so với năm trước.

Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu cũng vì thế mà thành hình sóng: 1,7 lần (2016), 1,588 lần (2017), 1,66 lần (2018) và 1,7 lần (2020).

Sự phụ thuộc nặng nề vào vốn vay của Rạng Đông thể hiện rất rõ qua dòng tiền tài chính khi tiền thu từ đi vay và chi trả nợ gốc vay những năm qua đều dao động từ 2.600 – 2.900 tỷ đồng.

Năm 2021, Rạng Đông đặt kế hoạch xuất khẩu 1.200 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2020. Việc mở rộng sản xuất với những mục tiêu hết sức tham vọng (năm 2025 doanh thu gấp 4 lần năm 2019, đạt 17.000 tỷ đồng) nhiều khả năng sẽ đưa con số nợ vay của Rạng Đông lên “một tầm cao mới”. Tất nhiên, về lý thuyết, nợ vay rẻ hơn vốn chủ, nhưng ở đường dài, ít ai có thể đi xa bằng vốn đi mượn.

Theo Ái Châu Tử