Bà Đỗ Thị Ch. ở thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng, đã đặt một cơ sở nấu ăn lưu động tại địa phương để chuẩn bị 5 mâm cỗ cho đám giỗ với giá 800.000 đồng/mâm/10 người. Khi được hỏi về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), bà Ch. thừa nhận rằng, do quen biết nên chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này.
“Vì không có điều kiện tự nấu nên mỗi khi nhà có việc hiếu, hỷ, tôi thường đặt các cơ sở nấu ăn gần nhà. Thực đơn phong phú, giá cả phải chăng và rất thuận tiện. Giữa tôi và nhóm nấu ăn chỉ thỏa thuận miệng về thực đơn, số mâm và giá cả. Nhiều gia đình tại địa phương cũng đặt như tôi, không có hợp đồng cam kết trách nhiệm bảo đảm ATVSTP. May mắn là chưa xảy ra vấn đề gì về ngộ độc thực phẩm”, bà Ch. chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Tuy, người đã nấu ăn phục vụ nhu cầu của người dân vùng miền Tây huyện Gio Linh hơn 10 năm nay, cho biết để thành lập cơ sở, chị đã làm các thủ tục cần thiết như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATVSTP, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người trực tiếp chế biến và thực hiện đầy đủ chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn trong quá trình nấu phục vụ thực khách.
Nhờ quản lý nghiêm ngặt và đảm bảo ATVSTP, giá cả phù hợp, mỗi tháng chị Tuy phục vụ trung bình 3-5 tiệc cưới, chưa kể tiệc sinh nhật, giỗ, chạp, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. “Chúng tôi luôn chú trọng khâu lựa chọn, bảo quản thực phẩm, nhất là trong mùa nắng nóng. Do đặc thù dịch vụ nấu ăn lưu động, không có địa điểm cố định nên thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức tiệc, vì vậy việc bảo quản rất quan trọng”, chị Tuy cho hay.
Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, ông Lê Phước Hiếu, cho biết, trên địa bàn có 3 cơ sở nấu ăn lưu động đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Tất cả các chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống khác đều được tập huấn kiến thức về ATVSTP và khám sức khỏe định kỳ. Nếu cơ sở nấu ăn lưu động nào từ bên ngoài được thuê đến phục vụ tại địa bàn xã thì phải xuất trình giấy tờ hợp lệ và ký cam kết đảm bảo ATVSTP mới được phép phục vụ. Nhờ vậy, công tác ATVSTP trên địa bàn luôn được đảm bảo, người dân khá yên tâm.
Xác định dịch vụ nấu ăn lưu động là loại hình có nguy cơ cao gây ra ngộ độc thực phẩm đông người, Trung tâm Y tế huyện Gio Linh đã tổ chức hội nghị quán triệt các quy định pháp luật đối với cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động. Các chủ cơ sở được hướng dẫn, bổ sung kiến thức về cách chọn nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cách truy xuất nguồn gốc và các quy định về ATVSTP trong quá trình chế biến. Nhờ đó, trên địa bàn huyện Gio Linh đã kiểm soát khá tốt vấn đề ATVSTP.
Một buổi tập huấn về ATVSTP cho các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) |
Tuy nhiên, không phải cơ sở nấu ăn nào trên địa bàn tỉnh cũng tuân thủ các quy trình đảm bảo ATVSTP. Vụ ngộ độc thực phẩm tại một đám cưới ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, do cơ sở nấu ăn lưu động của bà T.T.C. chế biến vào ngày 15/5/2023 đã làm 48/530 người tham gia tiệc phải điều trị. Điều đáng nói là cơ sở này không có các giấy tờ cần thiết như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATVSTP, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người trực tiếp chế biến, hợp đồng mua bán thực phẩm. Chủ cơ sở đã bị cơ quan chức năng xử phạt 22,5 triệu đồng vì vi phạm quy định ATVSTP. Trước đó, năm 2020, tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng cũng xảy ra vụ ngộ độc tập thể từ tiệc cưới làm ảnh hưởng sức khỏe 36 người. Nguyên nhân là do người nấu ăn và các gia đình chưa tuân thủ quy định về bảo đảm ATVSTP trong khâu chế biến, bảo quản.
Theo bà Phan Thị Thảo Vinh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Chi cục ATVSTP tỉnh, việc quản lý dịch vụ nấu ăn lưu động thuộc trách nhiệm của cấp xã. Tuy nhiên, do cán bộ ATVSTP ở cấp xã thường kiêm nhiệm và hạn chế về chuyên môn, nhiều cơ sở dịch vụ nấu ăn chưa được thống kê đầy đủ và việc giám sát, kiểm tra chủ yếu dựa trên cảm quan, chưa thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm. Từ đầu năm 2024, Chi cục ATVSTP đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho các cơ sở nấu ăn lưu động trên toàn tỉnh. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp rà soát lại các tổ nấu ăn lưu động, tổ chức bồi dưỡng kiến thức ATVSTP cho người nấu ăn và yêu cầu ký cam kết bảo đảm ATVSTP trong việc tổ chức các tiệc. Chi cục cũng đề nghị các xã thành lập tổ giám sát để tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí ATVSTP, nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra liên ngành và xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo thống kê, tỉnh hiện có hơn 600 cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động. Tuy nhiên, do không có địa điểm cố định và nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc từ địa phương khác đến, việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Để quản lý chặt chẽ loại hình này và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về ATVSTP theo phân cấp. Đồng thời, tích cực tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể và những nơi tập trung đông người. Chi cục ATVSTP cũng được yêu cầu hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về công tác quản lý dịch vụ ăn uống, dịch vụ ăn uống lưu động và kinh doanh thức ăn đường phố, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.