Trong những năm qua, tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) được phát huy sâu rộng; các mô hình được xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả nổi bật đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của quần chúng Nhân dân, góp phần tạo nền tảng vững chắc bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, sự tham gia tích cực của các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ mang ý nghĩa thiết thực, khẳng định tinh thần đoàn kết lương - giáo đồng hành, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Trị có vị trí địa lý khá đặc biệt, được ví như “đòn gánh” nối hai đầu đất nước, là "Ngã ba Đông Dương" nối với nước Lào và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 630.000 người, gồm 03 dân tộc chính là dân tộc Kinh (chiếm hơn 87%), dân tộc Vân Kiều (chiếm hơn 10,4%), dân tộc Pa Cô (chiếm hơn 2,4%), các dân tộc còn lại chiếm 0,26%; tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi là Hướng Hóa, Đakrông và một số xã thuộc các huyện Gio Linh, huyện Vĩnh Linh, huyện Cam Lộ. Đồng bào tôn giáo sinh hoạt đa dạng, trong đó có 203 cơ sở Phật giáo với hơn 240 tăng, ni và khoảng 65.000 tín đồ; có 05 chi hội Tin lành, 02 nhà thờ, 01 nhà nguyện với hơn 27 chức sắc, 7.000 tín đồ và 50 điểm nhóm có đăng ký sinh hoạt tập trung; có Hạt Công giáo Quảng Trị (thuộc Tổng Giáo phận Huế) với 23 giáo xứ, 01 Trung tâm hành hương, khoảng hơn 10.000 tín đồ, hơn 32 linh mục và khoảng 200 chức việc, tu sĩ. |
Dân tộc và tôn giáo là hai lĩnh vực có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Nắm rõ điều này, nhiều đối tượng đã lợi dụng để tuyên truyền thông tin trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, gây mâu thuẫn trong Nhân dân, phục vụ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Một số đối tượng lợi dụng hoạt động trên không gian mạng để lập các hội, nhóm phục vụ việc tuyên truyền, phát triển tôn giáo trái pháp luật. Hoặc, các đối tượng lợi dụng vi phạm, thiếu sót của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở trong quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, dẫn đến tiêu cực trong vấn đề đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, từ đó kích động Nhân dân và tín đồ tôn giáo tụ tập, khiếu kiện, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn.
Trong đó nổi lên tình hình khiếu kiện đông người vào năm 2015, liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Mặc dù hội đồng giải phóng mặt bằng các cấp đã tổ chức nhiều lần đối thoại, giải thích, vận động và có chính sách hỗ trợ nhưng một số hộ dân vẫn không chấp hành bàn giao mặt bằng, viết đơn kiến nghị gửi chính quyền các cấp. Nhiều người trong số đó là tín đồ tôn giáo do bị kích động trở nên quá khích, đã có những hành vi cản trở công tác giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Đáng chú ý, đây là thời điểm chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020; vì vậy một nhóm đối tượng đã cố tình kích động người dân, trong đó có các tín đồ tôn giáo ở địa phương chống lại chủ trương, phương án giải phóng mặt bằng, cản trở thi công, tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu, khiếu kiện tập thể nhằm gây áp lực với chính quyền. Cùng thời điểm đó, tình hình khiếu kiện của người dân ở xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh) liên quan đến dự án khai thác ti tan của Công ty Cổ phần khoáng sản Hiếu Giang; tình hình hoạt động của một nhóm gồm các đối tượng ở các phường Đông Thanh, Đông Giang (thành phố Đông Hà), thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh) lôi kéo người dân, tổ chức khiếu kiện tập thể, tụ tập đến trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh để gây áp lực, đòi chính quyền giải quyết mọi yêu cầu họ đưa ra.
Trước tình hình đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an tỉnh Quảng Trị đã bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, xây dựng các kế hoạch, phương án, chủ động công tác nắm tình hình, phân tích đánh giá đúng bản chất từng vụ việc, làm cơ sở tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo ban, ngành, đơn vị chức năng vừa tập trung giải quyết đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, vừa đảm bảo giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân, trong đó có quần chúng tín đồ tôn giáo. Lực lượng Công an đã bám địa bàn, nắm tình hình dư luận xã hội ở vùng đồng bào có đạo, tranh thủ các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, phối hợp tuyên truyền, vận động quần chúng tín đồ hiểu rõ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo. Tại các buổi sinh hoạt tôn giáo, cán bộ Công an ở cơ sở đã lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền tự do tôn giáo; những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nói chung và tội phạm lợi dụng các vấn đề về tôn giáo, dân tộc nói riêng với mục đích kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong mô hình “Phật giáo Quảng Trị tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và chung tay xây dựng nông thôn mới” |
![]() |
![]() |
Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Hải Lăng tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho bà con phật tử, tu sinh. |
Theo thống kế, tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 42 mô hình với gần 900 điểm hoạt động mô hình về an ninh trật tự. Trong đó, mô hình “Phật giáo tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và chung tay xây dựng nông thôn mới” phát động, xây dựng từ năm 2017 tại huyện Cam Lộ đã trở thành một điển hình với sức lan tỏa sâu rộng, được Bộ Công an chọn làm điểm và nhân rộng toàn quốc.
Đến nay, sau 7 năm triển khai xây dựng, duy trì và nhân rộng, mô hình này đã được phát động thực hiện mô hình tại 34 cơ sở phật giáo. Từ các điểm hoạt động của mô hình này đã cung cấp hơn 350 thông tin liên quan đến tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật cho cơ quan chức năng; tham gia giải quyết hơn 20 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong quần chúng nhân dân. Các ban điều hành mô hình trên địa bàn phối hợp với lực lượng Công an nhận quản lý, giúp đỡ tiến bộ 15 thanh, thiếu niên không có việc làm ổn định, có hành vi gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.
Hòa thượng Thích Thiện Tấn - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho biết: Để mô hình hoạt động hiệu quả, Ban chỉ đạo mô hình thường xuyên tổ chức quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức vận động chức sắc, tín đồ, phật tử tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trong giáo hội và toàn xã hội; đồng thời, vận động phật tử tham gia, phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, với phương châm “mỗi tăng, ni, phật tử là một chủ thể tích cực tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông”, từ tháng 7/2023 đến nay, đã có 05 lễ ký kết và hơn 15 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức tại các điểm chùa ở huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng, huyện Gio Linh, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà, với sự tham gia hưởng ứng tích cực của hơn 2.000 tăng, ni, phật tử, tu sinh. Bằng các hình thức tuyên truyền phù hợp, các tăng, ni, phật tử cơ bản nắm được các quy định mới, có kỹ năng tốt hơn khi tham gia giao thông, từng bước xây dựng và lan tỏa thói quen tham gia giao thông văn hóa, văn minh, an toàn.
Đặc biệt, mô hình “Vận động treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo và nhà riêng của tín đồ tôn giáo” được Công an tỉnh Quảng Trị phát động, triển khai bắt đầu từ năm 2020, ngay sau khi có chủ trương của Bộ Công an. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự nói chung, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói riêng. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 100% cơ sở thờ tự của Phật giáo treo cờ Tổ quốc trong khuôn viên và 100% phật tử treo cờ Tổ quốc tại nhà riêng; 92/137 điểm sinh hoạt của đạo Tin lành treo cờ Tổ quốc trong khuôn viên và 90% tín đồ theo đạo Tin lành treo cờ Tổ quốc tại nhà riêng; 13/41 cơ sở Công giáo treo cờ Tổ quốc trong khuôn viên và 80% tín đồ treo cờ Tổ quốc tại nhà riêng. Việc treo cờ Tổ quốc trong khuôn viên cơ sở thờ tự và tại nhà riêng của tín đồ tôn giáo được thực hiện thường xuyên, trang trọng vào các ngày lễ lớn, thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, ngày lễ trọng của các tôn giáo; tạo sự gắn kết trong xây dựng cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc.
Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, cộng đồng giáo dân, tăng, ni, phật tử trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã phát huy trách nhiệm, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, phong trào thi đua yêu nước, vừa thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa yêu nước”, vừa đóng góp tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng khối đoàn kết toàn dân ở địa phương. Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng từ thực tiễn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; ở một số địa bàn cơ sở, việc nắm bắt tình hình hoạt động tôn giáo thiếu kịp thời; việc phối hợp giữa Công an tỉnh - Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp - các tổ chức chính trị, xã hội trong tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng tôn giáo tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” chưa được chú trọng; một số mô hình được phát động, xây dựng chưa được quan tâm đánh giá thường xuyên để có giải pháp triển khai, thực hiện hiệu quả hơn.
Trước tình hình hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng thực hiện “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó các vấn đề về tôn giáo, dân tộc được các thế lực triệt để lợi dụng làm ngòi nổ nhằm kích động chống đối. Với nhiệm vụ của mình, Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung trọng tâm; chủ động phòng ngừa; tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, chính quyền các cấp kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên, không để kéo dài, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.
Bám sát địa bàn, nhất là những địa bàn có xảy ra khiếu kiện để tiếp xúc, gặp gỡ, trò chuyện, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng tín đồ tôn giáo trước những vướng mắc trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, tuyên truyền, giải thích, động viên, thuyết phục phật tử, giáo dân chờ sự giải quyết của cấp có thẩm quyền; hướng dẫn bà con thực hiện quyền khiếu kiện đúng quy định của pháp luật, không nghe theo lời kẻ xấu kích động, xúi giục, gây mất an ninh, trật tự. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết sâu rộng, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tạo động lực quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong thời gian tới.