Ngày 1/7 vừa qua, hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị chính thức sáp nhập, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu địa giới hành chính, mở ra không gian phát triển rộng lớn và đồng bộ tại Bắc Trung Bộ. Sự kiện này không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về địa giới, mà còn tạo cú huých chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Với lợi thế sẵn có như trục giao thông Bắc - Nam, các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cảng biển và sân bay, tỉnh Quảng Trị mới được kỳ vọng sẽ vươn lên thành trung tâm động lực mới của vùng.
Tăng tốc hạ tầng - Hút vốn đầu tư
Quảng Trị mới sở hữu dải bờ biển dài hơn 240 km, đồng thời kết nối trực tiếp với các trục giao thông chiến lược như Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh và đường sắt tốc độ cao trong tương lai. Cùng với đó, hai cảng biển Hòn La và Mỹ Thủy, kết hợp với hai sân bay Đồng Hới và Quảng Trị, tạo nên mạng lưới logistics đa phương thức hiếm có trong khu vực.
![]() |
Dự án Cảng nước sâu Mỹ Thủy (Quảng Trị) |
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các KKT và KCN thuộc tỉnh đã thu hút thêm 8 dự án mới với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng. Những dự án động lực như Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Nhà máy Nhiệt điện LNG Quảng Trạch II, III, Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La và KCN Cam Liên đang được đẩy nhanh tiến độ.
Phía Nam, KKT Đông Nam Quảng Trị đang trở thành trọng điểm phát triển công nghiệp năng lượng, cảng biển và logistics. Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy – với tổng vốn trên 14.200 tỷ đồng – được xem là “át chủ bài”, với quy mô 10 bến cảng và khả năng đón tàu trọng tải đến 100.000 tấn, đóng vai trò chiến lược trong kết nối liên vùng và quốc tế.
Cảng hàng không Quảng Trị cũng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 7/2026, kỳ vọng trở thành tổ hợp hàng không - logistics hiện đại, kết hợp công nghiệp và đô thị sân bay.
Định hình trung tâm logistics liên vùng
Điểm sáng tiếp theo là chuỗi dự án công nghiệp năng lượng và công nghệ cao, trong đó Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng và KCN Quảng Trị đang mở ra dư địa lớn cho đầu tư xanh, bền vững. KCN Quảng Trị với quy mô hơn 481 ha được hưởng nhiều ưu đãi thuế, dù tỷ lệ lấp đầy còn thấp nhưng đã ghi nhận sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư chiến lược.
Với hệ thống cảng biển, sân bay và KCN đồng bộ, tỉnh Quảng Trị mới đang nổi lên như trung tâm logistics liên vùng và quốc tế. Cảng Mỹ Thủy giữ vai trò cửa ngõ trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Lào và Thái Lan, trong khi cảng Hòn La và sân bay Quảng Trị giúp hoàn chỉnh “bản đồ” giao thương khu vực.
Bên cạnh lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, Quảng Trị mới cũng hướng tới phát triển mạnh logistics, công nghệ cao và du lịch. Mục tiêu là hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên kết giữa hai địa phương cũ, kết nối biển, rừng, hang động và di sản văn hóa.
Tăng tốc cải cách - Nâng tầm cạnh tranh
Để hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm tăng trưởng mới, tỉnh Quảng Trị mới xác định ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ các KCN lớn như Hòn La II, Cam Liên, Triệu Phú, đồng thời tập trung cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng công nghệ số để thu hút vốn FDI.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu thực tế trong các lĩnh vực logistics, năng lượng, công nghiệp và du lịch cũng là chiến lược trọng tâm trong giai đoạn tới.
Với lợi thế “kép” từ hợp nhất địa giới hành chính và tiềm năng kinh tế, Quảng Trị mới đang sẵn sàng bứt phá, đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng cho toàn vùng Bắc Trung Bộ.