Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PV GAS - Mã: GAS) được thành lập vào năm 1990, đang quản lý và vận hành hệ thống khí trên toàn quốc với hơn 1.500 km đường ống khí, 3 Nhà máy xử lý khí, các trung tâm phân phối khí/kho/cảng LPG lạnh và LNG, tàu kho nổi 44.000 tấn LPG tại phía Bắc, các kho định áp trên 30.000 tấn và trạm chiết nạp khí…
Từ tháng 3/2025, PV GAS đã hoàn thành việc nâng công suất tái hóa Kho LNG Thị Vải từ mức 5,7 triệu sm3/h lên 7,7 triệu sm3/h, qua đó đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu tiêu thụ cho các nhà máy điện và khách hàng.
![]() |
Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS. (Ảnh: PV GAS). |
Về tình hình kinh doanh, trong quý I/2025, mảng khí LPG mang lại doanh thu nhiều nhất cho PV GAS, chiếm 52% doanh thu thuần, với hơn 13.325 tỷ đồng và tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, mảng khí khô và LNG mang về hơn 11.023 tỷ đồng, tăng 18% chủ yếu nhờ giá bán trung bình tăng sau khi LNG với giá cao bắt đầu được phân phối tới những khách hàng sản xuất điện. Mảng này chiếm tỷ trọng gần 43%.
Ngoài ra, tổng công ty còn có nguồn thu 562 tỷ đồng từ vận chuyển khí và condensate, hơn 260 tỷ đồng từ bán condensate, 186 tỷ đồng từ bán khí thiên nhiên nén (CNG).
![]() |
Cơ cấu doanh thu của PV GAS. (Nguồn: BCTC quý I/2025). |
Trừ đi giá vốn, lãi gộp PV GAS thu về 4.090 tỷ đồng, tăng 11%. Tương ứng biên lãi gộp đạt 16%, gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm hơn trăm tỷ đồng do giảm lãi tiền gửi/lãi cho vay, tuy nhiên chi phí tài chính cũng giảm mạnh 35% nhờ giảm tiền lãi vay/lỗ chênh lệch tỷ giá.
Chi phí bán hàng tăng nhẹ, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp cao gấp rưỡi cùng kỳ khi chịu thêm một khoản phí sử dụng nhãn hiệu phải trả cho PVN và tăng chi phí cho nhân viên quản lý.
Kết quả cả quý đầu năm, PV GAS lãi sau thuế 2.763 tỷ, tăng 9% so với quý I/2024. Ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân chính do sản lượng tiêu thụ khí LPG tăng 9% và giá LNG tăng 53%, các hoạt động khác diễn ra bình thường.
Theo báo cáo thường niên, tổng công ty đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2025 với doanh thu 73.900 tỷ và lãi sau thuế 5.300 tỷ đồng, giảm tương ứng 29% và 50% so với thực hiện 2024.
Với kết quả trên, doanh nghiệp chuyên về khí đốt đã thực hiện được 35% mục tiêu doanh thu và hơn 52% kế hoạch lãi sau thuế chỉ sau một quý.
![]() |
Kết quả kinh doanh của PV GAS những quý trong 5 năm qua. (Nguồn: KBSV). |
Trong khung giá phát điện chính thức cho các nhà máy sử dụng khí LNG hoạt động trong năm 2025, Bộ Công Thương xác định điều chỉnh tăng giá bán điện từ 2,591 VND/kWh lên 3,327 VND/kWh, bổ sung mức giá vận chuyển tái hóa khí là 2.59 USD/mmBTU.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam, thông tin trên sẽ tác động tích cực tới triển vọng dài hạn của PV GAS với vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp và phân phối khí LNG khi mà doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng LNG để đáp ứng nhu cầu rất lớn của các nhà máy điện đến năm 2030.
Giai đoạn 2025-2026, việc nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 (do PV Power làm chủ đầu tư) dự kiến đi vào vận hành ổn định lần lượt vào tháng 7/2025 và 1/2026 sẽ cải thiện đáng kể doanh thu mảng cung cấp khí của PV GAS trong bối cảnh nguồn khí trong nước cạn kiệt.
Theo dự báo, sản lượng cung cấp khí LNG trong năm nay sẽ đạt 261 triệu m3, tăng 36% so với năm ngoái. Doanh thu mảng này dự kiến đạt 9.032 tỷ đồng, tăng 60%. Sang năm sau, doanh thu mảng khí LNG dự báo sẽ tăng tới 1,5 lần lên 23.100 tỷ đồng.
Sau đợt sụt giảm trước thông tin về thuế quan hồi tháng 4, giá cổ phiếu GAS đã hồi phục mạnh nhờ thông tin tích cực về việc bổ sung quy hoạch các dự án điện LNG và cơ chế giá bán – sản lượng thuận lợi hơn, hỗ trợ triển vọng dài hạn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số rủi ro của PV GAS bao gồm: suy giảm nguồn cung khí nội địa; rủi ro dự án khí lô B - Ô Môn bị trì hoãn; rủi ro tiến độ triển khai dự án LNG không đúng tiến độ và rủi ro phát sinh nợ xấu.
Hiện giá cổ phiếu GAS đang giao dịch quanh mức P/B (thị giá chia giá trị sổ sách) là 2,4 lần. EPS trailing (lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu trong 4 quý gần nhất) đạt 4.587 đồng.
![]() |
Nguồn: BCTC. |
Cuối tháng 3/2025, tổng tài sản của PV GAS chỉ nhích nhẹ so với đầu năm lên 82.000 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tiền gửi ngân hàng được mở rộng mới với hơn 37.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD), tăng gần 4.000 tỷ so với thời điểm đầu năm và chiếm 45% tài sản.
PV GAS thường xuyên góp mặt trong top 5 doanh nghiệp sở hữu "núi" tiền mặt khổng lồ trên sàn chứng khoán. Lượng tiền nhàn rỗi của “ông lớn” dầu khí này chủ yếu đem gửi ngân hàng hưởng lãi.
Quý I/2025, PV GAS đã thu về 262 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay, trong khi chi phí lãi vay chỉ mất 55 tỷ đồng.
Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng giảm xuống nhờ thu hồi được nợ xấu. Đáng chú ý trong đó là việc thu hồi được toàn bộ khoản nợ gốc 1.011 tỷ đồng từ Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông.
Đây là công ty liên doanh giữa EDFI, Sumitomo Corporation và JERA, chịu trách nhiệm vận hành Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2 công suất 715 MW ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty này hết hợp đồng vào ngày 4/2 nên đã chuyển giao nhà máy về cho PVN.
Ngoài ra, khoản nợ xấu từ nhóm công ty Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cũng giảm từ 2.855 tỷ đầu năm về còn 779 tỷ đồng, tức trả khoảng 2.000 tỷ trong một quý. Phần lớn khoản nợ xấu này là của Công ty Nhơn Trạch 2 - công ty con của PV Power.
![]() |
Danh sách nợ xấu của PV GAS khoảng hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó 63% có thể thu hồi. (Nguồn: BCTC quý I/2025). |
Về nợ vay, tổng dư nợ của PV GAS tại cuối kỳ khoảng 3.300 tỷ đồng, chiếm chưa tới 1/5 tổng nợ phải trả. Phần lớn tổng nợ phải trả của doanh nghiệp đến chủ yếu từ phải trả người bán và chi phí trích trước mua khí, thu gom nén khí.
Vốn chủ sở hữu cũng được làm dày thêm nhờ kết quả kinh doanh có lãi, đạt hơn 64.300 tỷ đồng tại cuối tháng 3/2025. Trong đó lợi nhuận chưa phân phối là hơn 12.300 tỷ và quỹ đầu tư phát triển duy trì gần 27.000 tỷ đồng.