Toàn tỉnh có 27 CCN đã thành lập với tổng diện tích trên 1.445ha. Trong đó, 17 CCN đã thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động; 2 CCN đang thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; 8 CCN đang thực hiện công tác bồi thường, GPMB và thực hiện các thủ tục về xây dựng để đầu tư hạ tầng.
Các CCN đã thu hút 175 dự án đăng ký đầu tư với 105 dự án vốn đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng; 70 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 776 triệu USD.
Đến nay, có 129 dự án trong các CCN đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho trên 27.000 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ lấp đầy đạt trên 55%. Các dự án đầu tư tại các CCN làm tăng hiệu quả sử dụng đất, góp phần thu hút đầu tư hiệu quả, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư hạ tầng một số dự án CCN còn chậm trễ, kéo dài; hạ tầng kỹ thuật đầu tư không đồng bộ, nhiều hạng mục chưa được đầu tư. Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB, một số hộ dân không đồng tình với việc thực hiện dự án CCN, không nhất trí thực hiện công tác kê khai, kiểm đếm của chính quyền địa phương.
Nguyên nhân chậm tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư thứ cấp tại các CCN do ngân sách nhà nước địa phương hạn hẹp, không đủ khả năng bổ trí cho các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư (các đơn vị sự nghiệp cấp huyện).
Trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng khu tái định cư để bố trí hộ dân bị ảnh hưởng tại phạm vi xây dựng dự án CCN còn vướng mắc về cơ chế tài chính (chưa có quy định để chủ đầu tư ứng vốn cho Nhà nước để đầu tư hạ tầng khu tái định cư).
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư thứ cấp tại các CCN, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi. Song hành với đó, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉn Phú Thọ cho biết: Các cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã và các tổ chức đoàn thể vận động Nhân dân thống nhất, ủng hộ thực hiện dự án đầu tư CCN trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB, sớm thu hồi, giao đất cho các chủ đầu tư để đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN.
Để thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất, Sở Công Thương cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng phương án “Nhà nước đứng ra bồi thường, thu hồi đất, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất” hoặc “Đấu thầu dự án có sử dụng đất” để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tại CCN.
Quốc Huy