Phú Thọ: Nét đẹp làng nghề nón lá Sai Nga

00:10 24/02/2021

Làng nón Sai Nga là một trong hai làng nghề nổi tiếng nhất tại Phú Thọ. Hình ảnh những đứa trẻ lên năm lên mười hay các cụ già tỉ mỉ khâu từng chiếc nón là rất đỗi bình thường tại nơi đây.

 Sai Nga - Làng nghề truyền thống làm nón lâu đời ở Phú Thọ.

Làng làm nón lá Sai Nga thuộc xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê có vị trí ngay bên bờ sông Thao hiền hòa mà, đỏ nặng phù sa. Ban đầu nghề làm nón lá chỉ là nghề phụ, nhưng trải qua bao đời, nơi đây vẫn giữ được nét đẹp và dần dần phát triển thành làng nghề truyền thống, đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong xã.

Nói về gốc tích của nghề làm nón, một số người dân làm nghề ở Sai Nga cho hay, đầu tiên là một số người dân ở làng Chuông (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội) trong thời kì tản cư về đất Sai Nga họ đã mang theo nghề làm nón. Các bậc cao niên còn sống ở địa phương cho biết, nghề nón nơi đây xuất hiện chính thức và phát triển mạnh mẽ từ khoảng những năm 1950.

Tại đây, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết làm nón và để làm ra một chiếc nón phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu làm nón gồm: Lá, khuôn, vành, mo tre hoặc mo nứa, sợi cước, sợi len để nhôi và một lưỡi cày để là phẳng lá. Khi có đủ nguyên liệu thì bắt tay vào làm từng công đoạn. Lá làm nón được bà con mang từ Hà Tây, Thanh Hóa về theo chợ phiên.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nghề nón về đây mà bén duyên và tặng cho người Sai Nga thêm nghề sinh nhai, và trong nhiều năm qua nghề nón lá tiếp tục góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương. Đặc biệt, từ khi có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua, nón lá đã trở thành sản phẩm du lịch, là món quà độc đáo cho du khách khi đến với làng nghề.

Một chiếc nón được hoàn thành phải mất khoảng 3 giờ, muốn nón được trắng hơn khi làm xong hơ qua diêm sinh. Về sản phẩm, hiện nay người dân trong xã chủ yếu làm 2 loại: nón kỹ với giá 55.000 - 60.000 đồng/chiếc, nón thưa có giá 25.000 - 40.000 đồng/chiếc.

 Ở Sai Nga không khó để bắt gặp những em bé, cụ già say xưa, tần mẫn bên chiếc nón.

Bình quân mỗi năm cả làng sản xuất ước đạt hơn 600.000 chiếc nón, doanh thu đem lại hàng chục tỷ đồng. Sản phẩm làm ra đều được thương lái thu mua tận nơi hoặc bán tại chợ phiên, đa phần người làm nón ở Sai Nga vẫn thích đem nón đến chợ phiên và coi đó như một nét văn hóa truyền thống của làng mình.

Năm 2004, Sai Nga chính thức được công nhận là làng nghề, với 40% thu nhập từ làm nón. Tuy nhiên, làng nghề cũng đang đứng trước thực trạng thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng khi diện tích cọ ngày càng bị thu hẹp, nhường đất cho những công trình mới, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Thêm vào đó, do nhu cầu của cuộc sống, thói quen dùng nón che mưa che, nắng của người dân đã có những đổi thay nên nghề làm nón ở đây quy mô nhỏ hơn trước.

Vừa qua, UBND huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã công bố quyết định công nhận nhãn hiệu làng nghề nón lá Sai Nga tại thị trấn Cẩm Khê. Đây là bước đầu trong công cuộc xây dựng phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương. Ngoài ra, UBND huyện Cẩm Khê cũng khuyến khích phát triển nghề làm nón, mở rộng thị trường tiêu thụ đồng thời người dân có cơ hội giao lưu với các làng nghề nhằm nâng cao chất lượng về mẫu mã để nghề nón lá Sai Nga có “thương hiệu”, giữ được nét văn hóa của làng nghề truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế giúp bà con có cuộc sống ổn định.

PV