Mô hình nuôi trâu sinh sản của gia đình anh Bàn Văn Tỵ ở khu Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn. |
Chương trình cho vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình tín dụng chính sách kết hợp nhiều nguồn vốn khác nhau để cho vay như: Vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, vốn Ngân hàng CSXH huy động, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đã bổ sung nguồn vốn làm cơ sở để Ngân hàng CSXH trên địa bàn thực hiện hiệu quả, chất lượng chương trình tín dụng chính sách.
Thông qua các nguồn vốn trên, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã hỗ trợ cho vay đối với lao động yếu thế, người dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Gia đình anh Bàn Văn Tỵ người dân tộc Dao ở khu Dù, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn đã ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã. Anh Tỵ chia sẻ: Gia đình tôi từng phụ thuộc hoàn toàn vào trồng trọt nông nghiệp, nhưng từ khi được vay vốn ưu đãi, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình kinh nuôi trâu sinh sản. Hiện tại, không chỉ gia đình tôi, mà nhiều lao động khác trong xã cũng có công ăn việc làm ổn định hơn.
Các dự án cho vay giải quyết việc làm ở huyện Cẩm Khê chủ yếu được đầu tư vào chăn nuôi thuỷ sản, gia súc, gia cầm. |
Nhằm đảm bảo vốn vay có hiệu quả, hằng năm, các ngành chức năng của tỉnh gồm: Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội các cấp xây dựng kế hoạch, triển khai cho vay và giám sát việc thực hiện các dự án vay vốn.
Tính đến hết tháng 10/2024, doanh số cho vay giải quyết việc làm toàn tỉnh đạt trên 146 tỷ đồng, cho 2.326 lượt khách hàng vay vốn. Từ đó, tạo việc làm cho 2.422 lao động, trong đó gần 1.300 lao động nữ và 86 lao động là người dân tộc thiểu số. Tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL đến nay đạt gần 739 tỷ đồng, tăng trên 48 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Hiện có 12.379 khách hàng dư nợ.
Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm không chỉ đơn thuần là một hỗ trợ tài chính, mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững tại địa phương. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc góp phần vào công cuộc cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Hằng năm, ưu tiên bố trí nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có chương trình cho vay giải quyết việc làm.