Nhưng chưa hết, Djokovic còn là một người sẵn sàng ngược dòng dư luận. Mới đây, tay vợt đang giữ chức Chủ tịch hội đồng tay vợt ATP đã tuyên bố chắc nịch rằng anh không thích tiêm vắc-xin chống virus corona khi trở lại sân quần.
Phản đối vắc-xin, khóc sau khi phẫu thuật
Với nhiều người, việc tiêm vắc-xin là điều hoàn toàn logic, nhưng Djokovic thì không. Trong nhiều năm nay, anh là người phản đối phẫu thuật, phản đối dùng thuốc, và dĩ nhiên là phản đối cả vắc-xin nữa. Ngay cả một đại dịch với quy mô toàn cầu như Covid-19 cũng không thay đổi lập trường này của anh.
“Cá nhân tôi phản đối việc dùng vắc-xin. Tôi không muốn một ai đó phải dùng vắc-xin để đi lại chỗ nọ chỗ kia”, Djokovic nói trong một buổi chat trực tiếp với một số VĐV Serbia và nhắc lại khi trả lời phỏng vấn của AP, “Nếu nó trở thành điều bắt buộc, điều gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ phải đưa ra quyết định. Đây là cảm xúc hiện tại của tôi và tôi không biết có thể thay đổi nó hay không, nhưng nó thực sự ảnh hưởng đến sự chuyên nghiệp của tôi”. Sự cứng rắn của Djokovic hẳn khiến cộng đồng quần vợt ngạc nhiên, song những người biết anh thì đỡ sốc hơn. Dù không cố làm một nhà thuyết giáo, nhưng Djokovic vẫn hay lên tiếng về niềm tin không chính thống của mình, bất chấp những chỉ trích.
Trong quá khứ, chỉ vì không chịu phẫu thuật, không chịu dùng thuốc, và muốn chấn thương khuỷu tay tự lành, Djokovic đã chia tay HLV Andre Agassi. “Tôi biết cậu ấy bị đau khuỷu tay, và đó luôn là vấn đề lớn”, Agassi chia sẻ với Guardian về chuyện này năm 2018, “Tôi không ủng hộ việc chấn thương ấy có thể tự lành. Bạn không thể ép buộc một ai đó khi nói về cơ thể của chính họ. Bạn phải hiểu sự lưỡng lự của họ, nhưng giữ sức khỏe là phải biết chăm sóc cơ thể, đưa ra những quyết định khó khăn, tự cho bản thân thời gian và tiến về phía trước theo phương pháp nhất định. Tôi nghĩ rằng nghỉ ngơi thôi là không đủ”.
Thế giới của Djokovic rất đặc biệt
Vì bảo thủ với lập trường của mình mà Djokovic đã có lúc tụt xuống hạng 22 thế giới, và cuối cùng, anh vẫn buộc phải phẫu thuật. Nhưng thay vì nhẹ nhõm như nhiều đồng nghiệp khác, Djokovic có cảm giác đã gian dối, dù thực tế sau đó, anh đã lại thống trị ở môn thể thao tốn thể lực bậc nhất này. “Tôi đã khóc 2, 3 ngày”, Djokovic tâm sự với Telegraph, “Tôi đã khóc sau khi phẫu thuật khuỷu tay. Mỗi lần nghĩ về việc mình vừa làm, tôi cảm thấy như mình đã lừa dối chính mình”.
Bậc thầy về… kiêng khem
Một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong sự nghiệp của Djokovic là khi anh bước vào phòng tắm ở Australian Open 2010 và… nôn thốc, nôn tháo. Năm đó, Nole đã dẫn Jo-Wilfried Tsonga 2-1 trước khi suy giảm thể lực đến khó tin trước sự ngạc nhiên của đám đông ở Melbourne. Nole đã vào toilet trong giờ nghỉ, nôn dữ dội. Trở lại sân, anh thắng được 4 game, nhưng rồi lại gặp vấn đề về hô hấp, và bị loại.
Djokovic sau đó đã gặp chuyên gia dinh dưỡng của Serbia là tiến sĩ Igor Cetojevic, người cũng theo dõi trận đấu ấy, để xin tư vấn. Ông dự đoán Djokovic dị ứng với gluten và cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng ngay lập tức. Những thử nghiệm máu sau đó càng khẳng định chẩn đoán này. Djokovic phải giảm bớt các chất có đường, ngừng ăn bơ sữa và các đồ ăn chứa gluten như protein trong lúa mạch, lúa mì và các loại ngũ cốc khác.
Đó không phải nhiệm vụ dễ dàng với Djokovic, tay vợt cực khoái bánh mì, pasta, và pizza (bố mẹ anh quản lý một nhà hàng pizza có tiếng ở Serbia). Nhưng bằng quyết tâm của mình, Nole đã trở thành tay vợt kiêng khem bậc nhất thế giới. Anh cực kỳ nghiêm khắc với chế độ ăn uống, tập trung vào sinh tố, uống nước, tránh mọi sản phẩm về bánh kẹo. Một năm sau khi áp dụng chế độ ăn kiêng, Djokovic đã trải qua mùa giải vĩ đại bậc nhất trong kỷ nguyên Mở. Anh giành 10 danh hiệu (3 Grand Slam) và thắng 43 trận liên tiếp.
Sự quyết tâm đến cực đoan trong chế độ ăn uống đã mang lại trái ngọt. Từ một tay vợt bị nôn mửa ở Melbourne, anh trở thành tay vợt có thể lực tốt nhất trong làng banh nỉ.
Không gluten là bí quyết giúp Djokovic thành công
Có một Nole không giống ai
Với 17 Grand Slam, và vẫn duy trì phong độ đỉnh cao, Djokovic đang trên đường vượt qua những tượng đài như Rafael Nadal (19 Grand Slam) và Roger Federer (20), nhưng trên khía cạnh tình yêu của người hâm mộ, anh vẫn không thể nào so sánh với hai ngôi sao trên. Cá tính của Djokovic là một nguyên nhân dẫn đến thực tế ấy. Anh không chỉ nổi tiếng trên sân quần trên cương vị một tay vợt, mà còn qua cách ứng xử khác người, qua những ý kiến trái chiều.
Djokovic giờ đã 32 tuổi, và đã cố gắng thể hiện cá tính nhiều hơn trên mạng xã hội, dù là ở nhà với con, chơi với những chú chó, hay thử vật với các võ sĩ sumo khi dự một giải đấu ở Nhật Bản. Anh là một thành viên của Giáo hội chính thống Serbia, và thường xuyên làm dấu thánh trong các trận đấu. Ngoài chế độ ăn uống kiêng khem nghiêm ngặt, anh còn luyện yoga và thiền, với trọng tâm là các bài tập pranayama (luyện thở). Mỗi lần tham dự Wimbledon, Djokovic đều tới ngôi đền Buddhapadiga tại London.
Phương Chi