Tại Quảng Trị, chuyển đổi số đang dần trở thành động lực then chốt trong nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và cải thiện sinh kế cho người dân. Hiểu được điều đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành, từ dữ liệu hóa quản lý đến mở rộng thị trường tiêu thụ qua nền tảng thương mại điện tử.
Nông dân bắt nhịp chuyển đổi số
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế lẫn tư duy quản trị.
Tại xã Cửa Tùng, trang trại Dfarm Quảng Trị đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính công nghệ cao trên diện tích 5.500m², nhập khẩu thiết bị từ Nhật Bản và Israel, áp dụng đồng bộ hệ thống tưới nhỏ giọt, điều khiển trung tâm, giám sát từ xa… Chủ trang trại, chị Trần Thu Trang - chia sẻ: “Chúng tôi ứng dụng số hóa vào mọi khâu sản xuất nhằm tối ưu nguồn lực, tiết kiệm nước, phân bón và nâng cao năng suất”.
Nhờ cách làm bài bản, Dfarm đã sản xuất thành công dưa lưới và dưa lê đạt tiêu chuẩn cao, được thị trường Hà Nội và các tỉnh miền Trung ưa chuộng. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 1,4 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 60%.
Trong lĩnh vực thủy sản, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của anh Trần Văn Nghĩa (xã Bắc Trạch) cũng là điểm sáng. Với quy trình nuôi khép kín trong nhà bạt theo ba giai đoạn, hệ thống giám sát và xử lý nước tiên tiến, mô hình đã giúp giảm chi phí, kiểm soát rủi ro, nâng cao năng suất. Mỗi vụ, anh thu lãi hơn 1 tỉ đồng từ 4.000m² ao nuôi.
![]() |
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao thu lãi hơn 1 tỉ đồng từ 4.000m² ao nuôi mỗi vụ của anh Trần Văn Nghĩa (xã Bắc Trạch, Quảng Trị) |
Chăn nuôi cũng đang từng bước được công nghệ hóa. Tỉnh hiện có 225 trang trại quy mô tập trung, nhiều nơi đã áp dụng chuồng lạnh, tự động hóa việc cho ăn, cung cấp nước và xử lý môi trường – hướng tới sản xuất an toàn, khép kín.
Hạ tầng số được đầu tư, dữ liệu được chuẩn hóa
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Đình Hiệp, ngành đang tích cực hoàn thiện hạ tầng số, từ việc mã hóa dữ liệu, tăng cường bảo mật đến xây dựng kịch bản ứng phó sự cố an ninh mạng.
Ở cấp quản lý, các phần mềm chuyên ngành đang được triển khai để từng bước hiện đại hóa hoạt động điều hành, kết nối dữ liệu liên ngành và bảo đảm an toàn hệ thống. Đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt, sở đã xây dựng hệ thống cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc qua mã QR. Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản cũng ghi nhận bước tiến mạnh mẽ, với nhật ký điện tử, phần mềm giám sát tàu cá, quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường...
Ngoài ra, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Lazada... đang được đẩy mạnh. Các nền tảng thông tin như ocop.quangbinh.gov.vn hay quangbinhtrade.vn cũng được tích hợp, đồng bộ hóa sau sáp nhập, phục vụ tốt hơn cho xúc tiến thương mại số.
Trong giai đoạn tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường xác định sẽ tập trung đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đồng thời đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp và hợp tác xã tiếp cận công nghệ số – từ quản lý chuỗi cung ứng, phần mềm bán hàng, đến sổ sách điện tử.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình nông nghiệp số tiêu biểu để nhân rộng, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, minh bạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước”, ông Trần Đình Hiệp nhấn mạnh.