Nokia triển khai thiết bị 5G đầu tiên tại Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. |
Tập đoàn Nokia vừa qua đã công bố việc ký một thỏa thuận lớn với Tập đoàn Viettel để triển khai thiết bị 5G lần đầu tiên tại Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.
Dự án đầy tham vọng này sẽ hỗ trợ chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng 5G và chuyển đổi số trong đó bao gồm cả việc Nokia sẽ tiến hành hiện đại hóa cơ sở hạ tầng mạng 4G của Tập đoàn Viettel. Việc triển khai sẽ bắt đầu trong năm 2024.
Theo thỏa thuận, thiết bị 5G của Nokia sẽ được sử dụng tại 2.500 địa điểm trên 22 tỉnh thành. Loại thiết bị thuộc danh mục 5G AirScale, bao gồm các giải pháp băng tần AirScale thế hệ mới, thiết bị vô tuyến Massive MIMO và các sản phẩm Remote Radio Head. Nokia cũng cho biết, các thiết bị sử dụng SoC ReefShark, có khả năng tiết kiệm năng lượng và có thể kết hợp lại để đảm bảo vùng phủ sóng và dung lượng cao.
Đây là mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam, nơi các sản phẩm được triển khai cũng được sản xuất trong nước, điều này nhấn mạnh cam kết của Nokia đối với khu vực.
Hồi tháng 6, Nokia cho biết, đã bắt đầu sản xuất danh mục sản phẩm thuộc dòng AirScale và sẽ tăng sản lượng từ tháng 9. Các thiết bị này được sản xuất tại nhà máy của Foxconn tại Bắc Giang, cung cấp cho thị trường Việt Nam và một số nước lân cận.
"Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chiến lược của Viettel về hạ tầng 5G và thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam", đại diện Viettel nói.
Hiện chưa có thông tin về việc liệu hai đơn vị có hợp tác với các nhà mạng cũng như nhà cung cấp khác hay không.
Trên thị trường thiết bị đầu cuối, kết nối 5G đã có mặt trên nhiều smartphone từ phân khúc tầm trung như Honor 90 Lite, Galaxy M15 tới thiết bị cao cấp như Z Fold6, iPhone 16.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng nhiều lần khẳng định 5G sẽ được triển khai chính thức trong năm 2024. Từ những tháng đầu năm, Bộ đã tổ chức đấu giá thành công ba khối băng tần 5G, thuộc về các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone. Theo điều kiện đấu giá, doanh nghiệp phải triển khai dịch vụ trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép và sau hai năm phải có tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G.
Trước đó, vào năm ngoái, Nokia đã công bố việc triển khai thành công mạng DWDM đầu tiên hoạt động ở tốc độ 600 G/giây cùng với Viettel. Theo đó, mạng này sử dụng chipset quang siêu coherent PSE-V tân tiến của Nokia, với khả năng truyền kênh 600 Gb/giây ở băng tần C để kết nối các trung tâm mạng chính của Viettel. Giải pháp kết nối trung tâm dữ liệu mới này sẽ giúp Viettel đáp ứng các yêu cầu tương lai về độ trễ thấp, dung lượng cao, triển khai hạ tầng mạng 5G, điện toán đám mây cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng video và Internet trực tuyến ngày càng cao của người dùng.
Trong dự án này, chipset Nokia PSE-V được triển khai trên nền tảng thiết bị 1830PSS của Nokia, cho phép Viettel mở rộng tổng dung lượng mạng lên 25,2 Tbps ở băng tần C. Ngoài ra, hệ thống băng tần C hiện tại có thể được nâng cấp một cách thuận tiện lên băng tần C + L bằng cách bổ sung các thành phần băng tần L. Điều đó sẽ giúp tăng gấp đôi dung lượng mạng.
Ông Rubén Morón Flores, Giám đốc Khối Thị trường Việt Nam của Nokia thời điểm đó, cho biết: "Chúng tôi vui mừng hợp tác với Viettel trên cương vị một đối tác chiến lược. Đây là dự án đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) sử dụng chipset PSE-V của chúng tôi và được triển khai trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Thành công của dự án là minh chứng cho mối quan hệ đối tác bền chặt và cam kết vững chắc của chúng tôi trong việc duy trì vị thế dẫn đầu thông qua cung cấp các công nghệ và giải pháp quang mới nhất cho Viettel".