Nới room tín dụng kịp thời giúp doanh nghiệp giải toả “cơn khát” vốn

23:55 09/09/2022

Theo nhận định của các doanh nghiệp, quyết định mở room tín dụng cho các ngân hàng để dòng chảy tín dụng vào hỗ trợ nền kinh tế là kịp thời, tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần hướng dòng vốn này vào đúng nơi, đúng chỗ để đạt hiệu quả nhất.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nhìn nhận nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Doanh nghiệp cần vốn nhiều để nhập nguyên liệu, trang trải hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần vốn để xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, giao thương nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa, xa hơn là hướng tới xuất khẩu.

“Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội”, ông Mạc Quốc Anh bình luận.

Tuy nhiên, trên thực tế các ngân hàng cũng cho biết, hạn mức vừa được cấp thêm cũng khó đáp ứng được hết nhu cầu vốn của khách hàng hiện nay, bởi số lượng hồ sơ đang "xếp hàng" chờ còn rất dài.

Theo nguồn tin của VnBusiness, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần lớn tại Hà Nội cho hay: "Ngay khi biết tin Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room cho các ngân hàng thương mại, mỗi ngày tôi nhận được hàng chục cuộc điện thoại của các doanh nghiệp hỏi khi nào được giải ngân. Tuy nhiên, ngày hôm nay (8/9) chi nhánh mới có thông báo cho phép giải ngân thêm 1% trên tổng dư nợ chốt đến ngày 31/8. Ngay khi có thông tin này, một số hồ sơ xếp hàng chờ trước đó đã được giải ngân, nhưng cũng còn hàng trăm hồ sơ vẫn tiếp tục chờ". Vị giám đốc này nói, đồng thời cho biết, với hạn mức thêm của chi nhánh rất khó giải quyết hết hồ sơ đang chờ chứ chưa nói đến việc tiếp nhận thêm hồ sơ vay vốn mới.

Trong bối cảnh đó, để có thêm dư địa tín dụng cho khách hàng, nhiều nhà băng cho biết, sẽ đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, tái cấu trúc lại danh mục và đẩy mạnh các dịch vụ khác.

PV