Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail; FRT/HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021.
Năm 2021, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 22.495 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với cùng kỳ năm 2020 và gấp 1,4 lần kế hoạch doanh thu năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần so với năm 2020 và gấp 4,6 lần kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Như vậy, năm 2021, FRT đã đạt kết quả kinh doanh đột biến. Năm 2019 và năm 2020, công ty chỉ hoàn thành lần lượt 51% và 14% kế hoạch lợi nhuận của năm.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận công ty tăng đột biến năm nay là nhờ mảng kinh doanh chính tăng mạnh. Đặc biệt, trong quý IV/2021, doanh thu công ty tăng gấp đôi do Apple khi mở bán thành công iPhones 13 series và Macbook Pro 2021, đồng thời do nhu cầu tiêu dùng laptop phục vụ học tập và làm việc tăng cao. Bên cạnh đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng lãi nhẹ thay vì lỗ như cùng kỳ.
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của FRT đạt 10.786 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Trong đó, tăng mạnh nhất là hàng tồn kho, tăng gấp 2,7 lần năm trước (tăng thêm 3.104 tỷ đồng lên 4.930 tỷ đồng). Tiền và các khoản tương đương tiền cũng tăng 57,6%, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 2,3 lần, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 24,6%...
Tuy vậy, nợ phải trả của công ty cũng tăng 2,2 lần lên 9.106 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Hiện công ty còn các khoản vay tại HSBC, ANZ, UOB, Standard Chartered, Shinhan, Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB…
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, dòng tiền kinh doanh của công ty liên tục âm qua các quý. Lũy kế cả năm 2021, dòng tiền kinh doanh của công ty âm lên tới 1.474 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, nợ phải trả của công ty đã cao gấp 5,4 lần vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, tỷ số nợ vay vay đã cao gấp 3,6 lần vốn chủ sở hữu, con số cao nhất trong nhiều năm gần đây. Hoạt động kinh doanh của công ty không tạo ra dòng tiền đặt ra mối lo ngại về khả năng trả nợ của công ty, nhất là khi gánh nặng nợ vay ngày càng lớn.
Tồn kho của công ty lên tới hơn 4.900 tỷ đồng, nhưng FRT có tới 2.335 tỷ đồng phải trả người bán và 89 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn, cho thấy áp lực trả nợ ngắn hạn rất lớn. Trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh âm, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu lớn, nếu công ty không đẩy nhanh tốc độ bán hàng để thu tiền trả nợ, thanh khoản ngắn hạn sẽ chịu rủi ro.
PV