Hãng chip nhớ hàng đầu Trung Quốc YMTC sẽ dùng toàn bộ thiết bị từ công ty nội địa thay vì nguồn nước ngoài để sản xuất từ năm tới sau khi bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào năm ngoái, theo các nguồn tin trong ngành.
Nếu thành công, chiến lược này sẽ là một bước đột phá trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tự cung tự cấp chất bán dẫn sau khi nước này bị Hoa Kỳ hạn chế tiếp cận các công cụ sản xuất chip tiên tiến do lo ngại về an ninh quốc gia.
Trang SCMP dẫn lời các nguồn tin trong ngành cho biết, Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC) đã đạt được tiến bộ mới trong sản xuất chip nhớ 3D NAND, sử dụng thiết bị do chính các đối tác trong nước làm ra thay vì phụ thuộc nước ngoài. Trong khi đó, Financial Times cho biết, việc sản xuất các dòng chip tiên tiến của YMTC có thể bắt đầu năm tới, ở một nhà máy mới được trang bị công cụ của các nhà cung cấp Trung Quốc.
Chip nhớ 3D NAND là một loại bộ nhớ flash, trong đó các ô nhớ được xếp chồng lên nhau theo chiều dọc để tăng mật độ lưu trữ. YMTC là niềm hy vọng lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này, khi đạt thị phần toàn cầu 6% vào năm ngoái, theo thống kê của Bernstein. Hãng cũng từng thách thức các ông lớn trong ngành như Samsung, SK Hynix và Micron Technology bằng chip nhớ 232 lớp có tên X3-9070.
Tuy nhiên, những nỗ lực của YMTC sau đó bị gián đoạn bởi lệnh trừng phạt từ Mỹ. Các nhà cung cấp thiết bị làm chip như KLA và Lam Research bị cấm giao dịch với công ty. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường về chip nhớ giảm, công ty này cũng phải cắt giảm việc làm cũng như các khoản đầu tư thiết bị. Tình hình khả quan trở lại với YMTC sau khi họ nhận khoản tài trợ khoảng 7 tỷ USD từ nhiều nhiều nhà đầu tư, trong đó có Quỹ đầu tư công nghiệp quốc gia về mạch tích hợp của Trung Quốc.
Các nguồn tin trong ngành công nghiệp thiết bị chip của Trung Quốc, chia sẻ với South China Morning Post rằng YMTC đã tăng gấp đôi nỗ lực hợp tác với các nhà cung cấp Trung Quốc để giúp sản xuất chip có tên mã là Wudangshan (Võ Đang sơn), đặt theo tên một ngọn núi ở tỉnh Hồ Bắc, quê hương của công ty. YMTC có truyền thống đặt tên chip theo tên những ngọn núi nổi tiếng của Trung Quốc.
Một nguồn tin cho biết, dự án dự định chỉ sử dụng thiết bị của Trung Quốc. Theo đó, YMTC đã đặt một đơn hàng lớn với các nhà cung cấp thiết bị trong nước, bao gồm Tập đoàn Công nghệ Naura có trụ sở tại Bắc Kinh, nhà sản xuất công cụ khắc hàng đầu của Trung Quốc.
Nguồn tin nói thêm rằng, YMTC thậm chí đã yêu cầu các nhà cung cấp trong nước của mình xóa logo và các dấu hiệu nhận dạng khác khỏi thiết bị, để giảm thiểu rủi ro bị Hoa Kỳ trừng phạt đối với các nhà cung cấp của họ. Washington cũng cáo buộc YMTC cung cấp linh kiện điện tử cho Huawei Technologies Co, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc cũng đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các chuyên gia trong ngành chỉ ra rằng, vẫn còn những “điểm nghẽn” trong chuỗi cung ứng sản xuất chip của Trung Quốc. Ví dụ, không có lựa chọn nội địa nào có thể thay thế cho các công cụ đo lường do nhà sản xuất thiết bị Mỹ KLA cung cấp, hoặc các hệ thống in thạch bản có sẵn từ Công ty ASML của Hà Lan, cũng như các nhà cung cấp Nhật Bản như Nikon và Canon. Hiện chưa rõ liệu dự án mới sẽ giải quyết các điểm tắc nghẽn cung cấp thiết bị như thế nào.
"Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm các công ty giải pháp cho điểm nghẽn”, một nhà đầu tư ở Bắc Kinh cho biết tại một sự kiện đầu tư mạo hiểm gần đây - tập trung vào các phương tiện năng lượng mới và các công ty liên quan đến chất bán dẫn. “Trung Quốc đang cố gắng giải quyết từng nút thắt này”.
Lu Chenyi, một nhân viên cấp cao tại công ty dịch vụ đầu tư Moody's, cho biết trong một hội thảo trực tuyến rằng, Trung Quốc đang đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước trước những hạn chế của Mỹ. “Các công ty Trung Quốc trước tiên phải có được thiết bị và công nghệ để sản xuất chip tiên tiến, sau đó mở rộng sản xuất”, Lu nói, đồng thời cho biết thêm rằng, Trung Quốc cần ít nhất 5 năm để bắt kịp các công ty toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến.
Erica Su, người đứng đầu bộ phận chiến lược và giao dịch tại công ty tư vấn EY Trung Quốc, cho biết ở nước này, “sự quan tâm của thị trường đối với chất bán dẫn rất cao”, khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ có cùng quan điểm thúc đẩy sản xuất chip. Su bình luận thêm rằng sự trỗi dậy của thị trường xe năng lượng mới và các ngành công nghiệp thông minh khác của Trung Quốc cũng tạo ra nhu cầu mạnh mẽ về chip trong nước.
Minh Phương (t/h)