15 năm triển khai, mô hình của Đoàn trường Đại học Đồng Tháp đã mang đến biết bao niềm vui, niềm hạnh phúc giữa người cho và người nhận.
Chỉ cần mỗi sinh viên trích ra 5.000 đồng/tháng là có thể góp phần xây được căn nhà trị giá 70 triệu đồng rất thiết thực.
Ngôi nhà từ 5.000 đồng
Nguyễn Phúc Thiên, sinh năm 2001, là sinh viên năm cuối, ngành Việt Nam học, Trường Đại học Đồng Tháp. Thiên và cô ruột đang sống trong căn nhà gỗ cũ đã dựng hơn 20 năm, thường xuyên bị dột khi trời mưa. Dù không ít lần sửa tạm, nhưng do cột, kèo bị mối mọt ăn, mái tôn bị hư nhiều cho nên hai cô cháu rất lo nhà sập mỗi khi mưa to, gió lớn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, sinh năm 1962, ngụ ấp Tân Hòa Thượng, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, là cô ruột của Thiên. Gia đình chỉ còn hai cô cháu. Mẹ Thiên bỏ đi từ khi em lên ba tuổi, em phải sống dựa vào bà nội và cha. Năm 12 tuổi, bà nội em mất; ba năm sau đó, cha em cũng qua đời do bệnh. Cô Nga đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để chăm lo cháu.
Nhiều năm qua, để có tiền trang trải cuộc sống, bà Nga phải đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thiên ở nhà một mình, tự đi học và sinh hoạt. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, bà Nga về nhà sống bằng nghề sửa quần áo. Ở quê, vài ba ngày mới có người mang quần áo đến sửa, mỗi lần sửa như thế bà Nga kiếm được khoảng 20 nghìn đồng.
Lo tiền ăn, tiền học cho Thiên đã khó khăn cho nên chuyện cất được nhà mới thì thật không dám nghĩ tới. Bà Nga cho biết: "Giờ sống đắp đổi qua ngày, chứ cất cái nhà tôi không kham nổi, kiếm đâu ra tiền mà cất". Thương cô chịu nhiều vất vả, nên từ khi đặt chân vào giảng đường đại học, Thiên vừa học vừa làm thêm, có được đồng nào hay đồng đó để lo việc học, đóng tiền thuê trọ.
Ngày làm lễ khởi công xây nhà, Thiên và cô vô cùng xúc động vì không bao giờ dám nghĩ rằng sẽ có được ngôi nhà rộng 60 m2 được lót gạch men, xây tường, mái lợp tôn hẳn hoi...
Trong số những "Ngôi nhà 5.000 đồng" được hình thành, đằng sau ấy có biết bao câu chuyện cảm động về những mảnh đời, về ý chí vươn lên của các bạn sinh viên.
Nguyễn Trung Tín, sinh năm 2003, là sinh viên năm thứ ba, ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Đồng Tháp. Trước khi trở thành sinh viên, Tín có những tháng năm dài đối chọi với bệnh tật. Từ lúc tám tháng tuổi, Tín bệnh nhiều, sau một thời gian điều trị, bệnh viện phát hiện em mắc chứng bại não, hai bàn tay thường xuyên co rút lại. Vậy là mỗi ngày, bên cạnh điều trị bệnh, Tín được mẹ đều đặn chở đến trường với ước mơ của gia đình là sau này em sẽ học thành tài. Dù gia cảnh khó khăn và bản thân mắc bệnh, nhưng suốt những năm học cấp tiểu học và trung học cơ sở, em luôn đạt thành tích tốp đầu của lớp.
Ngôi nhà của gia đình Tín cất từ năm 2005, nền bị sụp lún, gỗ bị mối ăn. Thu nhập chính của gia đình từ 20 gốc xoài chung quanh nhà và thuê thêm đất vườn xoài canh tác. "Tín biết ba mẹ và em gái ao ước có được căn nhà khang trang để ở nhưng gia cảnh chưa cho phép. Tín cũng nhiều lần tâm sự với mẹ rằng con thì bệnh tật, rồi lo học hành cho nên không thể kiếm tiền phụ giúp mẹ", bà Tiết Thị Tám, ngụ ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, mẹ của Tín kể.
Sau khi đỗ vào Trường Đại học Đồng Tháp, biết Đoàn trường triển khai mô hình "Ngôi nhà 5.000 đồng" và gửi thông tin đến sinh viên đăng ký hỗ trợ nhà. Sau gần 6 tháng đăng ký, niềm vui vỡ òa khi em được xét hỗ trợ 50 triệu đồng (mức hỗ trợ trước năm 2024) từ nguồn quỹ "Ngôi nhà 5.000 đồng". Sau hai năm có nhà mới, Tín vẫn lâng lâng niềm hạnh phúc và quyết tâm học thật tốt để không phụ lòng thầy cô, bạn bè giúp đỡ.
Hay trường hợp gia đình của sinh viên Nguyễn Thị Thu không có đất ở, phải ở nhà tạm được cất trên bờ đê cánh đồng lúa xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười. Khi Đoàn trường liên hệ xét tặng tiền xây nhà, địa phương cùng chung tay, bố trí hộ gia đình sinh viên vào ở tại một khu dân cư theo hình thức mua nền nhà trả chậm.
Lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái
Mô hình "Ngôi nhà 5.000 đồng" do Đoàn trường Đại học Đồng Tháp triển khai thực hiện đến nay tròn 15 năm. Hiện, Đoàn trường có một tổ chức Đoàn cơ sở Cán bộ- Giảng viên và 11 liên chi đoàn khoa; 155 chi đoàn, với gần 5.000 đoàn viên, thanh niên. Từ nguồn quỹ mô hình do đoàn viên, thanh niên nhà trường hỗ trợ hằng tháng, mỗi năm, Đoàn trường hỗ trợ xây dựng từ 6 đến 12 căn nhà.
Bí thư Đoàn trường Đại học Đồng Tháp Lê Phước Vinh cho biết, để tạo nguồn quỹ xây dựng "Ngôi nhà 5.000 đồng", Ban Thường vụ Đoàn trường lấy ý kiến trong tập thể Ban Chấp hành, viên chức là đoàn viên và sinh viên toàn trường thống nhất mức đóng góp kinh phí là 10.000 đồng/tháng/viên chức là đoàn viên và 5.000 đồng/tháng/sinh viên. Kinh phí được thu định kỳ hằng tháng từ chi đoàn thông qua liên chi đoàn các khoa, Đoàn cơ sở Cán bộ- Giảng viên nộp về Văn phòng Đoàn trường. Đoàn trường tuyên truyền, kết nối vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp... đóng góp kinh phí thực hiện.
Tiếp đó, Đoàn trường thông tin về tiêu chuẩn xét tặng "Ngôi nhà 5.000 đồng" đến toàn thể đoàn viên-thanh niên toàn trường. Bạn nào có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng xây nhà thì gửi đơn đề nghị về Ban Thường vụ Đoàn trường thông qua các đoàn khoa. Ban Thường vụ Đoàn trường thành lập tổ khảo sát và phối hợp chính quyền địa phương thẩm định hồ sơ theo các tiêu chí xét tặng "Ngôi nhà 5.000 đồng" cho đoàn viên.
Đoàn trường còn liên kết đến 12 Huyện đoàn, Thành đoàn trong tỉnh Đồng Tháp thông qua việc chuyển thông tin về mô hình, tiêu chí xét "Ngôi nhà 5.000 đồng" để các địa phương xem xét sinh viên nào thường trú trên địa bàn đang học tại Trường đại học Đồng Tháp có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở thì giới thiệu. Sau đó, tiến hành hỗ trợ kinh phí xây nhà tặng đoàn viên khi đã đạt tiêu chuẩn.
Ngoài việc trao tặng kinh phí xây nhà, Đoàn trường còn tập hợp đoàn viên, thanh niên đóng góp ngày công lao động tình nguyện hỗ trợ xây nhà trong các đợt hoạt động, chiến dịch tình nguyện cao điểm hằng năm; đồng thời phối hợp chính quyền địa phương kết nối các nguồn lực để góp phần nâng cao chất lượng ngôi nhà, tiết kiệm chi phí xây dựng.
"Ngôi nhà 5.000 đồng" đã trải qua 15 năm hình thành và phát triển với bốn lần đổi tên. Kinh phí những năm đầu hỗ trợ xây dựng mỗi ngôi nhà là 20 triệu đồng, với mức đóng góp là 2.000 đồng/tháng/sinh viên. Sau đó, mức đóng góp tăng dần cũng đồng nghĩa kinh phí hỗ trợ mỗi ngôi nhà cũng tăng dần từ 30 đến 50 triệu đồng và từ đầu năm 2024 đến nay là 70 triệu đồng.
Tính đến ngày 9/6/2024, Đoàn trường Đại học Đồng Tháp bàn giao 81 ngôi nhà tặng 81 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở tám tỉnh, thành phố, bao gồm: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Cà Mau và thành phố Cần Thơ, với tổng kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng và đóng góp hơn 1.200 ngày công lao động tình nguyện hỗ trợ xây nhà.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò- Trương Phước Điều cho biết: "Địa phương cũng vừa có một sinh viên ngụ trên địa bàn được hỗ trợ "Ngôi nhà 5.000 đồng". Đây là một nghĩa cử đẹp, chia sẻ cùng địa phương trong vấn đề an sinh xã hội.
Em Phạm Như Ý, sinh viên năm thứ ba, ngành Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Đồng Tháp chia sẻ: "Lúc đầu, em chưa hiểu rõ về mô hình ngôi nhà 5.000 đồng. Sau khi tìm hiểu, em rất thích cách làm ý nghĩa này. Mô hình sẽ giúp ích được những mảnh đời khó khăn, giúp các bạn có chỗ ở ổn định, yên tâm học tập, sinh sống".
Theo đánh giá của Ban Giám hiệu Trường Đại học Đồng Tháp, các trường hợp sinh viên và gia đình sinh viên được hỗ trợ xây nhà đã vượt qua giai đoạn khó khăn, vượt khó và vươn lên trong cuộc sống. Thầy Cao Dao Thép, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp cho biết: "Trường tiếp tục kết nối và tranh thủ sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, nhất là kết nối với cựu sinh viên thành đạt, để cùng nhau đóng góp vào nguồn quỹ thực hiện mô hình. Cùng với đó, tiếp tục chuẩn hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí về đối tượng được hỗ trợ; cập nhật mức kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà phù hợp với từng thời điểm cụ thể".
Mỗi "Ngôi nhà 5.000 đồng" đang và tiếp tục được xây dựng không chỉ là niềm vui, động lực để các sinh viên không ngừng vươn lên, mà còn có niềm vui từ sự chung tay sẻ chia, giúp các sinh viên chiến thắng số phận. Đây cũng là cách giáo dục tinh thần tương thân, tương ái cho thế hệ trẻ, phát huy nguồn lực trong sinh viên cùng tham gia công tác xã hội, giúp đỡ lẫn nhau...