Bình Nguyên Trang là cây bút sớm nổi tiếng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường |
Bình Nguyên Trang là nữ thi sĩ có một thời thanh xuân rực rỡ, sôi nổi với văn chương của lứa tuổi hoa niên. Sau gần bốn thập niên gắn bó với thi ca, Bình Nguyên Trang đã tạo ra một con đường của riêng mình, đủ để độc giả thêm yêu những bài thơ của chị, thêm tin vào những giá trị mà văn chương mang lại giữa cuộc đời này. Phóng viên có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Bình Nguyên Trang nhân dịp chị ra mắt tập thơ mới - “Đêm hoa vàng”.
Tôi nhớ không nhầm,“Đêm hoa vàng” là sự “trở lại” của Bình Nguyên Trang sau 8 năm không in tập thơ. Nhiều độc giả yêu quý chị và những tác phẩm của chị hẳn là rất mong chờ. Chị có thể chia sẻ về sự chậm trễ này?
Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Với cá nhân tôi, việc in một cuốn sách mới, cần phải mang đến một điều gì mới, khác mình trước đó. Viết và để ngăn bàn, thì những trang viết đó là của mình. Nhưng sách đã in ra, nó thuộc về độc giả. Tôi đã đắn đo đôi chút, chủ yếu là không còn cảm thấy niềm vui trong việc xuất hiện. Tôi đã để bản thảo thật lâu, đến một ngày nhận ra rằng, ồ dù sao mình cũng nên in một cuốn sách. Rồi mọi thứ nó dần hoàn thành. Do vậy, không có sự chậm trễ nào ở đây cả, tất cả đều đúng lúc.
Có ý kiến cho rằng sự đón nhận của độc giả dành cho “Đêm hoa vàng” phần lớn là từ hào quang mà chị có được từ thời thanh xuân. Chị nghĩ sao về ý kiến đó?
Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Nếu thực sự có cái gọi là hào quang từ thời thanh xuân đó, tôi rất vui và biết ơn. Độc giả còn chờ đợi và nhớ đến tôi, và khi tôi xuất bản một tập sách vẫn có thể cảm nhận được sự ấm áp từ họ, thì tôi là người may mắn đấy chứ. Nhưng bạn biết đấy, độc giả từ thời thanh xuân họ cũng khác đi, như tôi khác đi mà. Nếu họ còn yêu tôi thì việc của tôi là kể điều gì đó của tôi hôm nay, đủ thuyết phục để họ có thể đồng cảm, để họ có thể thấy chính họ trong đó.
Đêm hoa vàng là tập thơ mới nhất của Bình Nguyên Trang được NXB Hội nhà văn phát hành Tháng 6.2024 |
Dường như những suy niệm, chất “thiền” trong thơ Bình Nguyên Trang ngày càng rõ hơn, sâu hơn kể từ “Những bông hoa đang thiền” (2012) đến nay. Chị chủ đích viết khác mình ở giai đoạn trước hay còn một lý do nào khác?
Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Như bạn thấy, tôi không có chủ đích gì nhiều trong việc làm thơ. Tôi ít quan tâm đến hình thức một bài thơ, xem nó hiện đại hay truyền thống, hoặc bày đặt, sắp xếp câu chữ thế nào cho ấn tượng. Tôi chỉ quan tâm đến thế giới nội tâm của mình, rồi để mọi thứ tự nhiên trôi chảy theo cách của nó. Khi còn trẻ, thế giới của tôi hướng ra ngoài nhiều. Những va chạm với đời sống dễ tạo ra những cảm xúc khổ đau, bất bình, tuyệt vọng...và nó ít nhiều đã thể hiện trong các sáng tác của tôi. Nhưng về sau này, càng trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, tôi càng ít chú ý cái bên ngoài. Cảm giác đi lạc ám ảnh tôi và tôi nhận ra rằng cuộc đối thoại lớn nhất trong đời người chính là cuộc đối thoại với chính mình, từ bên trong. Nếu mải mê những trò chuyện bên ngoài, tôi sẽ bở lỡ câu chuyện của chính mình. Cội nguồn của sự làm mới không gì khác là rốt ráo với mình từ phía bên trong. Do đó, cần có một sự tĩnh lặng, một sự quan sát. Và viết, với tôi, nhiều lúc là một sự quan sát. Nhìn thấu thế giới nội tâm của mình, nhận diện nó, viết nó ra trên mặt giấy mỗi ngày là một nhu cầu, có thể không in thành sách, nhưng nó vẫn đủ cho tôi một cảm nhận về sự hữu ích. Sự bất toàn của đời sống như dịch bệnh, đổ vỡ trong các mối quan hệ, chiến tranh, thiên tai....là chất liệu để tôi suy nghiệm về ý nghĩa của sự tồn tại. Tôi vẫn đang đi trên đường với hy vọng tới được câu trả lời.
Chị từng nói vui mẹ chính là “nàng thơ” của chị. Trong “Đêm hoa vàng” mẹ xuất hiện ở rất nhiều bài thơ, đặc biệt “Đoản khúc dâng mẹ” (bài thơ dài nhất trong tập) mẹ trở thành Phật, lời kinh, tôn giáo của chị. Hẳn là từ khi mới bén duyên văn chương cho đến nay, mẹ luôn ủng hộ, đồng hành trên con đường mà chị đã lựa chọn, dấn thân?
Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Tôi nhận ra trong suốt hành trình hơn 30 năm cầm bút đã qua, Mẹ là điểm kết nối rất quan trọng trong thơ tôi. Tôi có một bà mẹ yêu tôi như nhiều bà mẹ khác trên đời. Một bà mẹ cụ thể với cơm áo, chợ đời, với vất vả truân chuyên, và trở thành một ví dụ cho tôi hiểu về phụ nữ cũng như thân phận con người. Nhưng có lẽ hơn thế, Mẹ từ lâu đã trở thành một biểu tượng tinh thần, một điểm tựa, một bến sông, một ngôi nhà, một nơi chốn, để tôi quay về. Quả thật, trong tôi vẫn luôn còn một đứa trẻ yếu đuối, và tôi luôn cần có Mẹ đồng hành. Người dẫn tôi đến với bình an như vậy thì là Phật của riêng tôi, là lời kinh, là một con đường đạo để tôi đi, và tất nhiên là “nhân vật trữ tình” trong thơ tôi nữa, cho đến khi nào tôi còn làm thơ.
Thời thanh xuân của chị và những bạn bè văn chương thế hệ giữa 7X và 8X cũng là thời đoạn văn học tuổi hoa phát triển mạnh mẽ, rực rỡ nhất. Sau ba thập niên nhìn lại, chị muốn nói điều gì về những năm tháng ấy?
Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Tôi lớn lên, bắt đầu làm thơ trong một thời rất đẹp. Đây có lẽ là một sự may mắn của tôi và bạn bè cầm bút cùng thế hệ. Những tờ báo và ấn phẩm văn chương dành cho lứa tuổi hoa có nhiều, lại thường xuyên dành dung lượng tối đa để đăng tải các trang viết của chúng tôi. Nhiều cô chú làm việc tại các tòa soạn là nhà thơ, nhà văn, nhà báo thực sự dành thời gian và tâm huyết để chăm chút cho những trang viết đầu đời của các cây bút học trò. Nhờ đó phong trào sáng tác trong lứa tuổi hoa niên phát triển mạnh mẽ, với nhiều bút nhóm được thành lập. Đó là một thời sôi nổi, tạo ra nhiều cảm hứng, động lực cho những cô cậu học trò yêu và say mê văn học. Những sáng tác dù còn non nớt, ngây ngô buổi đầu nhưng là nền tảng giúp chúng tôi lựa chọn, và hình dung ra con đường mình có thể sẽ đi trong tương lai.
Theo quan sát của chị, các diễn đàn văn học dành cho tuổi hoa đang lụi tàn hay đang thay đổi để phù hợp hơn với thế hệ bạn đọc, bạn viết mới? So với thế hệ của chị, những cây bút tuổi hoa hiện nay có thuận lợi và khó khăn gì?
Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Thời chúng tôi internet chưa xuất hiện, chưa có mạng xã hội và thế giới chỉ nhỏ hẹp quanh chuyện trường lớp, thầy cô, gia đình, bè bạn. Các bạn trẻ hôm nay ở trong một thế giới mà sự kết nối trở nên vô cùng rộng lớn. Mối quan tâm của các bạn cũng vì thế mà nhiều hơn, dàn trải hơn. Tôi nghĩ rằng thời nào thì học trò cũng vẫn viết văn làm thơ thôi, đó là một nhu cầu tự thân. Hiện nay báo chí cho tuổi hoa niên ít hơn, đất để giành giới thiệu tác phẩm của các tác giả tuổi hoa niên cũng không có nhiều. Bù lại, các bạn lại có một môi trường rộng lớn là internet, mạng xã hội và nhiều công cụ khác để có thể tự giới thiệu các tác phẩm của mình. Tất nhiên tôi không phủ nhận một điều rằng, ở buổi ban đầu các bạn trẻ rất cần sự một sự khích lệ, một sự truyền cảm hứng từ người đi trước. Các diễn đàn dành cho các bạn trẻ đam mê sáng tác văn học luôn cần thiết, vì đó là môi trường lành mạnh giúp nuôi dưỡng những hạt mầm đầu tiên. Hiện nay, các diễn đàn như vậy trên không gian mạng vẫn có, nhưng hoạt động nổi bật và tích cực thì tôi chưa thấy nhiều.
Tuy nhiên nếu nhìn lại, ngay cả những hội bút đông đảo thành viên thời chúng tôi, thì số lượng người đi lâu dài với văn chương rất ít. Bởi sáng tạo là công việc hoàn toàn cá nhân, nó đòi hỏi sự dấn thân rất mạnh mẽ. Tôi tin rằng dù cho có nhiều phương tiện giải trí chi phối trong thời đại hôm nay, những người trẻ có tài và có đam mê với công việc sáng tác, họ vẫn tìm thấy lựa chọn của riêng mình.
Bình Nguyên Trang Tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang Sinh 1977 tại Phú Thọ, quê gốc Hải Hậu, Nam Định Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam Hiện công tác tại Báo Nhân Dân Tác phẩm: Đã in 05 tập thơ; 02 tập truyện; 01 tập truyện ký; 01 tập tản văn; 02 tập ký chân dung. Giải thưởng: Giải nhất Tác phẩm tuổi xanh báo Tiền Phong 1997 Giải B, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam 2012 cho tập thơ Những bông hoa đang thiền. |
Nguồn: Báo Nghệ An