Nghệ sĩ Opera Đào Tố Loan phát hành album nhạc trữ tình |
Đào Tố Loan hiện là giọng ca nổi bật của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, đảm nhận những vai chính trong các vở nhạc kịch lớn của nhà hát như Cô Sao, Lá đỏ, Những người khốn khổ... Cô cũng là giảng viên thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đào Tố Loan từng giành Giải nhất Sao mai dòng nhạc thính phòng năm 2011, năm 2014 cô giành được giải nhất và giải khán giả bình chọn tại hội thảo Opera Lidal North ở Nhà hát Opera Oslo, năm 2018 là giải nhất cuộc thi opera Đông Nam Á tại Singapore, năm 2019 cô đoạt huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và giải nhì cuộc thi opera Việt Nam, năm 2021 cô giành giải ba bảng chuyên nghiệp của cuộc thi âm nhạc quốc tế MAP (MAP - IMC) được tổ chức từ Los Angeles (Mỹ)...
“Tiếng sáo lưng đồi” gồm 10 ca khúc viết về chủ đề quê hương, đất nước, vốn là nguồn cảm hứng chủ đạo trong phần lớn các sáng tác của Trần Lệ Giang. Album có tới 3 ca khúc mang âm hưởng ả đào và quan họ. “Tiếng sáo lưng đồi” còn nhắc về ký ức tuổi thơ của Đào Tố Loan- những năm tháng sống ở quê nhà vùng đồi Thái Nguyên.
Bìa album Tiếng Sáo lưng đồi 10 ca khúc Trần Lệ Giang qua tiếng hát Đào Tố Loan |
Câu chuyện cuộc đời nữa nghệ sĩ opera Đào Tố Loan từng gây xúc động với khán giả. Cô lên 6 tuổi thì mẹ mất và 12 tuổi thì mồ côi cha. Loan và 2 người chị gái đã dìu nhau qua những ngày tháng cực nhọc, có lúc phải bỏ học vì không có đủ điều kiện đến trường. 20 tuổi Đào Tố Loan mới về Hà Nội theo học Nhạc viện Hà Nội, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, sau này là người bạn đời của cô. Cô đã phải vừa đi học vừa đi hát, cũng như làm thêm nhiều việc để có thể trang trải cuộc sống và có tiền giúp đỡ người chị gái đau ốm ở quê nhà.
Xuất sắc ở dòng nhạc thính phòng nhưng Đào Tố Loan còn có một niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc Việt Nam, nhất là những ca khúc nhạc trữ tình. Nói về âm nhạc Trần Lệ Giang, Đào Tố Loan chia sẻ: “Âm nhạc của Trần Lệ Giang gợi một không gian rất riêng và sâu lắng. Nhạc sĩ sử dụng đa dạng trong chất liệu, từ dân gian đến hiện đại, đặc biệt ca từ rất đẹp, thể hiện những cung bậc cảm xúc rất tinh tế. Đó chính là nguồn cảm hứng để tôi quyết định tìm hiểu sâu hơn và sau đó là một hành trình khám phá và cộng tác với nhạc sĩ”.
Xuất sắc ở dòng nhạc thính phòng nhưng Đào Tố Loan còn có một niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc Việt Nam, nhất là những ca khúc nhạc trữ tình. |
Album “Tiếng sáo lưng đồi” được hai nhạc sĩ Dương Đức Thụy và Vũ Huyền Trung, trong đó có tới 9 ca khúc được Dương Đức Thụy thực hiện. Nhạc sĩ Trần Lệ Giang kể về những cuộc hồi ngộ âm nhạc đáng quý trong đời: “Khi tôi mới quay lại với âm nhạc thời điểm năm 2021, tôi có tâm sự với Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc một người anh, người bạn, người thày của tôi đã từng dạy tôi học piano và cách hòa âm, rằng dòng nhạc của tôi là dân ca đương đại nên tôi muôn anh giới thiệu giúp nữ ca sĩ vừa hát nhạc thính phòng vừa hát luyến láy được dòng nhạc dân gian. Tôi cũng cần nhạc sĩ phối khí hiểu được tinh thần của âm nhạc của mình nữa. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã giới thiêu cho tôi ca sĩ Đào Tố Loan và hai cái tên NS phối khí là học trò giỏi của anh là Vũ Huyền Trung & Dương Đức Thụy. Tác giả “Đất nước tình yêu” chia sẻ: “Dương Đức Thụy là một pianist rất tuyệt vời, hòa âm vững chắc, rất chỉn chu với công việc. Chúng tôi tìm được tiếng nói chung ăn ý.. Mỗi bản phối của Thụy như một tác phẩm riêng biệt vậy. Dương Đức Thụy rất tôn trọng ý kiến của tác giả tới từng chi tiết nhỏ, không hề bị trùng lặp, không như nhiều người lo lắng là đưa bài cho một nhạc sĩ phối khí thì các ca khúc của tôi sẽ bị một màu. Một điều tôi quý trọng ở Thụy nữa là bạn ấy luôn giao bài đúng hạn cho dù công việc bộn bề. Thụy rất chuyện nghiệp, tận tình và đầy tâm huyết.
Về ca sĩ Đào Tố Loan, nhạc sĩ Trần Lệ Giang giành những lời khen ngợi: “Dù là một nghệ sĩ Opera có tên tuổi nhưng Tố Loan rất giản dị, hòa nhã. Cách hát của cô điêu luyện về kỹ thuật và ngọt ngào trong cảm xúc”.
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang |
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang sinh năm 1957, nổi tiếng từ rất sớm với các ca khúc: “Đất nước Tình yêu” và “Ước mơ xanh”.Những ca khúc này đều được nhạc sĩ viết khi còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi và được nhiều thế hệ ca sĩ hát. Tuy nhiên, sau những ca khúc đầu tay, nhạc sĩ Trần Lệ Giang vắng bóng trong đời sống âm nhạc một thời gian dài và chị chỉ thực sự quay lại với âm nhạc trong mấy năm trở lại đây. Sau nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, làm nhiều công việc khác nhau, Trần Lệ Giang vẫn luôn thiết tha với công việc của người sáng tác: “Năm 2019. Một ngày, tôi thực sự muốn ngồi xuống bên cây đàn, muốn viết một cái gì đó cho thỏa những ước ao, nỗi niềm bấy lâu mình cất giữ. Và ca khúc “Cội nguồn” ra đời, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác “Hát lên Việt Nam” do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Ca khúc là tiếng lòng của một người con xa xứ hướng về quê nhà. Khán giả, bạn bè thấy tôi xuất hiện trở lại thì động viên và tôi có thêm động lực để viết tiếp. Càng viết tôi càng say sưa, như để bù đắp lại những ngày tháng đã trôi qua. Mỗi ngày, dù bận rộn đến đâu tôi vẫn luôn dành thời gian để sáng tác”.
Từ khi quay trở lại với âm nhạc Trần Lệ Giang liên tiếp đưa tác phẩm mới đến công chúng. Bà đã có3 dự án sản xuất album với ca sĩ Vũ Minh Vương, NSND Đức Long và giờ là nghệ sĩ Đào Tố Loan. Các sáng tác của Trần Lệ Giang đều hướng tới các chủ đề thân thuộc như tình yêu quê hương, đất nước, con người. Là một người con sống xa Tổ Quốc, Trần Lệ Giang tin rằng, âm nhạc của chị sẽ là một cây cầu kết nối những yêu thương.