Theo số liệu tổng hợp, nhập khẩu hàng rau quả chế biến (mã HS 20) của nước này trong tháng 11/2021 đạt 211,86 triệu USD, tăng 31,7% so với tháng 11/2020. Trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Trung Quốc đạt 1,48 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020.Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến từ hầu hết các thị trường cung cấp, trừ thị trường Thái Lan. Trong đó, Hoa Kỳ và Việt Nam là 2 thị trường cung cấp lớn nhất chủng loại hàng rau quả chế biến cho Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021. Trung Quốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 278 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 213 triệu USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc nhập khẩu chủng loại mã HS 2008 (quả, quả hạch và các phần khác ăn được của cây, đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác, đã hoặc chưa pha thêm đường hay chất làm ngọt khác hoặc rượu, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác) với trị giá chiếm 50,1% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả chế biến (mã HS 20). Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu chủng loại này từ thị trường Hoa Kỳ đạt 201,2 triệu USD, tăng 111,6% so với cùng kỳ năm 2020; tiếp theo là nhập khẩu từ Việt Nam đạt 148,9 triệu USD, tăng 28,3%; từ Hàn Quốc đạt 77 triệu USD, tăng 8,5%; từ Philippines đạt 64,6 triệu USD, tăng 30,9%... Mã HS 2009 (các loại nước ép trái cây (kể cả hèm nho) và nước rau ép, chưa lên men và chưa pha thêm rượu, đã hoặc chưa pha thêm đường chất làm ngọt khác) là chủng loại lớn thứ 2 Trung Quốc nhập khẩu trong 11 tháng năm 2021, chiếm 30,2% tổng trị giá nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Trung Quốc. Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu chủng loại này từ các thị trường như Brazil, Việt Nam, Israel, Tây Ban Nha và Thái Lan.
Giới chuyên môn nhận định rằng, Việt Nam là thị trường xuất khẩu chế phẩm từ rau, trái cây, quả hạch hoặc các bộ phận khác của thực vật lớn thứ 9 toàn cầu. Tốc độ xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thị trường thế giới trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 22,15%/năm. Các thị trường xuất khẩu chính mặt hàng rau quả chế biến của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Australia. Dự báo trong năm 2022, rau quả chế biến vẫn sẽ là chủng loại sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu.
Đỗ Nhung