Vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với: Kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Kết quả chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công, định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Ban Nội chính Trung ương, từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo (tháng 01/2023) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cơ bản đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo, có vụ vượt kế hoạch đề ra.
Khởi tố 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ thanh tra, kiểm toán, ngân hàng,...
Nổi bật là, từ sau Phiên họp thứ 23 đến nay, Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc; đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo.
Từ sau Phiên họp 24 đến nay, đã khởi tố mới 03 vụ án/09 bị can, khởi tố bổ sung 95 bị can trong 12 vụ án; kết luận điều tra 07 vụ án/174 bị can, kết luận điều tra bổ sung 03 vụ án/21 bị can; truy tố 05 vụ án/71 bị can; xét xử sơ thẩm 02 vụ án/38 bị cáo; xét xử phúc thẩm 05 vụ án/11 bị cáo.
Nhất là, đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vi phạm có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan đã mở rộng điều tra, khởi tố thêm 02 vụ án, khởi tố mới 72 bị can (trong đó, có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và cán bộ lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương); vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm đến nay đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh,...
Sẽ ban hành cáo trạng truy tố đối với vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB trong 2023
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung xử lý dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á, Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,…
Phấn đấu từ nay đến hết năm 2023 kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc; ban hành cáo trạng truy tố 05 vụ án; xét xử sơ thẩm 07 vụ án, xét xử phúc thẩm 03 vụ án.
Nhất là, phấn đấu ban hành cáo trạng truy tố đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan và vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.
Đồng thời đưa ra xét xử sơ thẩm các vụ án trọng điểm: Vụ án xảy ra tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng (liên quan đến hợp tác, nghiên cứu sản xuất kit test COVID với Công ty Việt Á); Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các đơn vị, địa phương có liên quan;...
Cả trăm ngàn tỉ đồng chuyển từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Theo kết luận điều tra, khi chưa cần sử dụng ngay tiền mặt, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới sử dụng các pháp nhân, cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền từ các công ty được giải ngân sang tài khoản của các pháp nhân, cá nhân này.
Khi cần sử dụng, các bị can sẽ lập ra các phương án chuyển tiền lòng vòng, chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của bà Lan. Khi cần sử dụng tiền mặt ngay, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo lái xe của mình là Bùi Văn Dũng đến SCB nhận tiền.
Các bị can tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB sẽ phối hợp với nhau cung cấp thông tin các pháp nhân hoặc cá nhân nhận tiền, lập phiếu chi và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt. Tiền sau khi xuất khỏi quỹ của SCB sẽ giao cho ông Dũng, sau đó ông Dũng vận chuyển về nhà cho bà Trương Mỹ Lan tại tòa nhà Sherwood (127 Pateur, Q.3, TP.HCM).
Tại đây, ông Dũng giao tiền cho bà Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan). Bà Uyên sẽ giao tiền cho những người đến nhận, theo chỉ đạo của bà Lan, và không lưu giữ ghi chép về người nhận tiền. Ngoài đường đi trên, ông Dũng còn vận chuyển tiền từ SCB về thẳng trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (193 - 203 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM), giao cho bà Lan hoặc chuyển tiền cho các cá nhân mà bà Lan yêu cầu.
Sổ tay ghi chép cùng lời khai của ông Dũng và những người liên quan cho thấy, tháng 2.2019 - tháng 9.2022, ông Dũng đã vận chuyển tiền từ SCB về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc về tòa nhà Sherwood hoặc giao cho một số cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan với tổng số tiền khoảng 108.878 tỉ đồng và hơn 14,7 triệu USD. Ghi nhận từ sổ sách SCB xác định, số tiền trên được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân.
Tổng cộng có 1.284 khoản vay tương ứng 483.917 tỉ đồng, dòng tiền như sau: trả nợ khoản vay cũ tại SCB hơn 57.000 tỉ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB hơn 381.300 tỉ đồng; tổ chức, cá nhân chuyển khoản nội bộ trong SCB hơn 5.200 tỉ đồng; tổ chức, cá nhân rút tiền mặt hơn 81.800 tỉ đồng.
Khai với cơ quan điều tra, bà Trương Mỹ Lan cho biết, tiền giải ngân được sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi các khoản vay trước; trả nợ vay cho bạn bè, người thân; trả chi phí cho các hoạt động của SCB (các khoản chi mà không thể hạch toán chi phí được); trả tiền mua lại các dự án; trả tiền gốc, lãi trái phiếu; chi phí tiền định giá tài sản, công chứng tài sản; chi trả tiền công cho những người đứng tên hộ các công ty, những người đứng tên hộ các khoản vay, những người đứng tên tài sản; chi vào nhiều mục đích khác.
Nhân Hà (Tổng hợp)