Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ ngân hàng

15:10 27/09/2023

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Đặc biệt, NHNN đã có nhiều điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tập trung hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, sang năm 2023, nền kinh tế Việt Nam gặp vô vàn khó khăn, thách thức khi thế giới biến động phức tạp khó lường, chưa khắc phục hết tác động bởi đại dịch Covid-19 lại bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tăng cao trên toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nước tiếp diễn.

Bà Hồng cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại; điều hành chính sách tiền tệ đứng trước nhiều thách thức.

Tuy nhiên, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đồng thời triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Chia sẻ về các giải pháp của ngành Ngân hàng, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thông tin, về điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56% so với cuối năm 2022.

Bà Giang cho biết, ngoài việc hỗ trợ nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Đồng thời, NHNN cũng thực hiện nhiều biện pháp để lãi suất cho vay giảm như: Khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí hoạt động; có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các TCTD để đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp giảm lãi suất tiền gửi; yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới. Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi giảm khoảng 19.000 tỷ đồng.

“Ngoài các chính sách về lãi suất, tín dụng, NHNN cũng chủ động triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong những ngành, lĩnh vực chủ chốt”, bà Giang nói.

Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, bà Hà Thu Giang cho biết, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối 2022 - cao gần gấp đôi tín dụng chung toàn ngành. Có thể nói, địa bàn Hà Nội là điểm sáng trong hoạt động tăng trưởng tín dụng hiện nay.

Trong khi đó, ông Đinh Việt Đông – Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội cho biết, Agribank đã triển khai ngay các biện pháp tích cực nhất để hỗ trợ doanh nghiệp như: Xây dựng lại cơ chế nội bộ để cắt giảm thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn; giảm lãi suất cho vay; chỉ đạo sát sao các chi nhánh trên địa bàn Thủ đô thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, NHNN…

“Tính đến thời điểm 31/8/2023, Agribank chi nhánh Hà Nội đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3-2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh; 2-3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản…”, ông Đông nói.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nagakawa cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh như vẫn duy trì, không cắt giảm hạn mức tín dụng, giảm lãi suất cho vay theo đúng định hướng của NHNN. Ngoài ra, ngân hàng còn tích cực chung tay cùng với doanh nghiệp để bàn bạc giải pháp tháo gỡ trong bối cảnh khó khăn.

Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

Ngân hàng cần gần hơn với “hơi thở” của doanh nghiệp

Đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, mới đây Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng đứng trước “cơn bão” toàn cầu về tài chính tiền tệ và những vấn đề nội tại trong nước, đã đe doạ đến sự ổn định của cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, với những chỉ đạo kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cùng với sự nỗ lực rất lớn từ NHNN, ngành Ngân hàng đã vượt qua “cơn bão”, ổn định trở lại và phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.

“Không chỉ trong nước, mà cả thế giới đánh giá cao những kết quả ngành Ngân hàng đã đạt được thời gian qua. Xin được cảm ơn ngành Ngân hàng, NHNN chi nhánh Hà Nội, các ngân hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho Hà Nội nói chung, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng, cung cấp nguồn lực tài chính lớn phục vụ cho phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó góp vào kết quả chung của thành phố Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2023”, ông Thanh đánh giá.

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng mong muốn các ngân hàng tiếp tục cắt giảm thủ tục để doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn. “Hơn 370.000 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội với những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau đã được ngân hàng quan tâm rồi, mong các ngân hàng tiếp tục quan tâm hơn nữa để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Thanh nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành tỷ giá và lãi suất là bài toán tổng thể, rất khó và phải đánh đổi lẫn nhau. Muốn giảm nhiều lãi suất thì tỷ giá tăng lên. Với NHNN, khi điều hành chính sách tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, có doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu được lợi thì sẽ vất vả cho doanh nghiệp nhập khẩu khi phải chịu chi phí tăng.

Riêng về đề xuất giảm lãi suất, bà Hồng chia sẻ, tổng số tiền giảm lãi suất và phí từ nguồn lực của các TCTD từ năm 2020 đến nay là 60.000 tỷ đồng. Đây là hỗ trợ không nhỏ của ngân hàng với khách hàng. Về khả năng giảm tiếp lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng ngân hàng. Tuy nhiên theo Thống đốc NHNN, các doanh nghiệp cố gắng minh bạch trong tài chính, dòng tiền để TCTD mạnh dạn cho vay.

"Về cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp và sự đồng hành của các TCTD", Thống đốc nhìn nhận.

Bà Hồng biết, một số ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan, bộ ngành khác như giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thị trường bất động sản, phát huy hiệu quả các quỹ bảo lãnh vay vốn của DNNVV... NHNN sẽ chuyển tới Chính phủ và tham mưu, đề xuất Chính phủ có chỉ đạo các cơ quan bộ ngành tiếp tục quan tâm giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.

P.V (t/h)