Nhiều dây chuyển sản xuất nước ngoài gặp khó khăn tại Việt Nam trong thời điểm phong tỏa do Covid

10:31 17/09/2021

Hạn chế do dịch bệnh kéo dài ở Việt Nam trở thành vấn đề với với các nhà bán lẻ, đặc biệt là những công ty phụ thuộc vào ngành sản xuất giày dép, quần áo trong bối cảnh các dịp lễ đang đến gần.

Công nhân gấp quần áo tại nhà máy may Thái Sơn S.P., tỉnh Bình Thuận, Việt Nam.
Công nhân gấp quần áo tại nhà máy may Thái Sơn S.P., tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. (Ảnh: Getty Images)

Những lo lắng về chuỗi cung ứng đã khiến công ty nghiên cứu phố Wall BTIG hạ cấp cổ phiếu của Nike vào tuần trước. BTIG đã trích dẫn các vấn đề sản xuất nghiêm trọng đối với nhà sản xuất giày thể thao kể từ lần cuối cùng báo cáo thu nhập. Những thách thức trong chuỗi cung ứng dự kiến ​​sẽ là một chủ đề nóng không chỉ đối với Nike mà còn với nhiều doanh nghiệp trong khu vực.

Rủi ro ngày một tăng đối với một số nhà bán lẻ khác vốn đã bị cản trở do sự chậm chễ của chuỗi cung ứng trong khi chờ các cơ sở sản xuất ở Việt Nam hoạt động trở lại. Khó khăn trên thậm chí khiến một số đơn vị phải cân nhắc lại quyết định chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thứ hai vừa qua, các nhà chức trách đã thông báo gia hạn thêm hai tuần hạn chế ở Thành phố Hồ Chí Minh, được biết đến là trung tâm kinh doanh tại Việt Nam và là tâm chấn của đợt dịch lần này. Theo các hạn chế, các nhà máy phải tuân thủ quy định sắp xếp cho công nhân làm việc, ăn ở tại chỗ hoặc đình chỉ hoàn toàn hoạt động. Các chuyên gia cũng lưu ý các hạn chế ở miền Bắc không quá căng thẳng như quy định tại miền Nam.

Một số nhà bán lẻ bày tỏ hy vọng sẽ giảm bớt áp lực. Nhà sản xuất quần tất Lululemon cho biết họ dự đoán các nhà máy ở Việt Nam sẽ bắt đầu mở cửa trở lại theo từng giai đoạn vào giữa tháng 9. Trong khi đó, chuỗi nội thất cao cấp RH đã nhắm mục tiêu tái khởi động tại miền Nam Việt Nam vào tháng 10 và đặt kỳ vọng tăng cường sản xuất hết công suất vào cuối năm nay. Sản xuất chậm chạp, thời gian vận chuyển và chi phí tăng cao khiến RH phải trì hoãn việc ra mắt bộ sưu tập đồ nội thất đương đại cho đến mùa xuân năm sau.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang theo dõi và chờ đợi xem các hạn chế và hoạt động sản xuất sẽ được nối lại như thế nào. Tuy nhiên, viễn cảnh có khả năng ảm đạm hơn khi những ngày lễ tại nước ngoài đang đến gần. Những trở ngại ở Việt Nam kéo theo hàng loạt rắc rối khác của chuỗi cung ứng, từ việc thiếu container vận chuyển hàng hóa đến tình trạng tồn đọng tại các cảng cũng như số lượng tài xế xe tải hạn chế. Một số công ty đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và xâm nhập thị trường Việt Nam trong vài năm qua nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tránh thuế quan chỉ ra không loại trừ khả năng đưa sản xuất trở lại điểm ban đầu.

Trong buổi thuyết trình với các nhà đầu tư vào tuần trước, giám đốc điều hành của Designer Brands, ông Roger Rawlins đã có cuộc trò chuyện với một giám đốc điều hành khác trong ngành. Người này bày tỏ về những nỗ lực đã bỏ ra để thoát khỏi “công xưởng thế giới” để rồi “một nơi duy nhất có thể nhận được hàng lại là Trung Quốc” thật là điên rồ. Theo phân tích của BTIG, các công ty bán lẻ tiếp xúc nhiều nhất với Việt Nam bao gồm Deckers Outdoor của Ugg và Hoka, công ty mẹ của Michael Kors, Capri Holdings, Columbia Sportswear, Nike, chủ sở hữu Coach Tapestry, Under Armour và Lululemon.

Nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng rằng những khó khăn trong sản xuất ở Việt Nam có thể không ảnh hưởng nhiều trong quý III. Theo Lyon, tác động có xuất hiện nhiều hơn trong quý IV và các kỳ nghỉ lễ, có thể vào nửa đầu năm sau. Ông cũng lưu ý: “Nhiều thương hiệu đã chủ động cắt giảm đơn đặt hàng phù hợp với dự đoán về hạn chế công suất và tình trạng tồn đọng. Những nhãn hàng lớn hơn đã chuyển hoặc cố gắng chuyển một phần hoạt động sang quốc gia khác”. Các sản phẩm được BTIG theo dõi thường mất khoảng ba tháng để sản xuất ở các khu vực châu Á, nay mất thêm 12 tuần vì tồn đọng hàng. “Có thể mất 5 đến 6 tháng để các nhà máy hoạt động trở lại sau chuỗi ngày ngừng hoạt động. Điều này bao gồm sự chậm trễ trong việc nhận nguyên liệu từ 4 đến 5 tuần và thêm 8 tuần nữa để xử lý sản xuất tồn đọng”, Lyon phân tích.

BTIG cho biết các nhà máy ở Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đưa công nhân trở lại sau khi chính quyền dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19. Giám đốc điều hành Urban Outfitters, Richard Hayne, nói với các nhà phân tích vào cuối tháng 8 rằng mối quan tâm lớn nhất của nhà bán lẻ là nhận được hàng tồn kho, đặc biệt là váy và quần được đặt hàng từ Việt Nam. Donna Dellomo, giám đốc tài chính của công ty nội thất Lovesac, cho biết công ty đã chuyển các đơn đặt hàng ra khỏi Việt Nam và quay trở lại Trung Quốc để cố gắng giảm thiểu rủi ro. Donna chia sẻ: “Chúng tôi biết rằng hàng tồn kho đến từ Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thuế quan, nhưng quyết định cho phép chúng tôi giữ lại hàng trong kho, điều này cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi cũng như khách hàng”. Theo ước tính của BTIG, Nike đã sản xuất khoảng 350 triệu đôi giày thể thao tại Việt Nam vào năm ngoái. Công ty nghiên cứu dự đoán có khoảng 160 triệu đôi có thể không được sản xuất trong năm nay vì quãng thời gian ngừng hoạt động.

TL