Toàn cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, hội thảo nhằm đánh giá kết quả hoạt động cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thúc đẩy giao dịch thương mại qua biên giới. Đồng thời, nhận diện những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong thực thi quy định, thủ tục làm tăng chi phí, tăng rủi ro cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, nhận diện những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp do tác động của dịch bệnh COVID-19 và sự kỳ vọng của doanh nghiệp vào những cải cách của Chính phủ về môi trường kinh doanh. Ngoài ra, đề xuất, kiến nghị về cải cách quy định pháp luật, thủ tục hành chính nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm chi phí, giảm rủi ro, khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo và giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh.
Cải cách hoạt động QL, KTCN
Điểm lại hoạt động kiểm tra chuyên ngành thời gian qua, bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) đã trình bày 3 nội dung chính bao gồm: Đánh giá chung về tình hình và kết quả thực hiện cải cách công tác quản lý (QL), kiểm tra chuyên ngành (KTCN); Một số bất cập trong hoạt động QL, KTCN; Tổng hợp, phân loại vướng mắc trong hoạt động QL, KTCN từ kết quả điều tra; Một số kiến nghị về tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo bà Thảo, CIEM đã nghiên cứu và phát hiện 12 nhóm bất cập. Sự bất cập này đã nêu rất nhiều lần nhưng sự chuyển biến rất chậm, dẫn tới nhiều rủi ro cho doanh nghiệp như: chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, chưa cắt giảm chi phí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn như phí kiểm dịch thú y và vấn đề lấy mẫu kiểm nghiệm. Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn là nơi lấy số lượng mẫu nhiều nhất, số lượng/ khối lượng mẫu quá lớn, kết quả chỉ có 1 thử nghiệm nhưng tính phí theo số lượng mẫu, 5 mẫu thì tính phí tương tự như 5 thử nghiệm.
Hay, trong khi danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn tương đối rộng (78.000 mặt hàng), thì vẫn có mặt hàng chưa đầy đủ mã hồ sơ hoặc chưa đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
“Đối với kiểm tra nhà nước về an toàn lao động thực hiện trước thông quan, đây là quy định phi lý, được phản ánh nhiều lần, song chưa có động thái sửa đổi nào. Trong khi đó, quy định về kiểm tra hiệu suất năng lượng tạo thêm nhiều gánh nặng chi phí và thời gian bất hợp lý cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề được phản ánh nhiều lần nhưng chưa được bộ ngành nào quan tâm.”, bà Thảo nhấn mạnh.
“Cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay đang quá mức cần thiết, chưa áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế tốt, tạo rào cản không cần thiết cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất sức cạnh tranh”, bà Thảo nói.
Vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng Mã số mã vạch nước ngoài
Tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn chung tay để giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhưng nhiều năm qua chỉ có tăng không có giảm.
Theo ông Nam, trong thời gian qua, doanh nghiệp phản ánh những vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thuỷ sản xuất khẩu. Thủ tục đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài đòi hỏi nhiều giấy tờ, hồ sơ khó xin được từ khách hàng lại phải nộp trực tiếp tại hải quan, không được làm trực tuyến nên doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và nhiều khi không đủ hồ sơ theo yêu cầu của GS1 (hệ thống tiêu chuẩn). Điều này dẫn tới doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, chi phí, thậm chí bị cơ quan hải quan xử phạt hành chính do không xin được giấy xác nhận của GS1.“ “Rõ ràng đây là sự cản trở cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, VASEP kiến nghị bỏ quy định này trong dự thảo Thông tư ghi nhãn điện tử.", ông Nam nói.
Bên cạnh đó, về vấn đề mức thu phí công đoàn hiện nay, đại diện VASEP cho rằng, mức phí công đoàn thu hiện nay quá cao và việc thu phí công đoàn chưa công bằng với các tổ chức xã hội khác. Trong khi đó, tài sản công đoàn hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn không phục vụ lại cho công đoàn viên. Do vậỵ, VASEP kiến nghị giảm mức đóng phí công đoàn theo quỹ lương của người sử dụng lao động từ mức 2% xuống còn 1%.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, mong muốn vấn đề HS được làm rõ, nhất là về vấn đề dinh dưỡng. Nhiều công văn hướng dẫn mâu thuẫn, nhóm thực phẩm chức năng bao gồm cả thực phẩm dinh dưỡng y tế, trong khi nhóm này thuộc nhóm khác dẫn tới thuế suất chênh lệnh nhau, khó cho cả doanh nghiệp và Hải quan khi thực thi. Eurocham kiến nghị Tổng cục Hải quan nên có sự thống nhất với các bộ ngành trong việc phân loại để tính thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu.Về mã số mã vạch, đại diện Eurocham cũng đồng tình với ý kiến của VASEP và cho rằng, nên bỏ để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) đã nêu lên những bất cập trong quy định về mã số mã vạch tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và có kiến nghị đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá và dự thảo thông tư nghi nhãn điện tử.
Theo đại diện CIEM, trong thời gian tới tiếp tục coi trọng cải cách, đơn giản hoá, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục; tiếp tục thực hiện cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành phù hợp với thông lệ quốc tế tốt và yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do.
Lyly