Bảo mật là một trong những ưu tiên hàng đầu của người Việt khi thói quen dùng các ứng dụng OTT (nhắn tin, gọi điện, giải trí trên nền tảng internet) ngày càng phổ biến.
Công nghệ và internet phát triển giúp người dùng có thêm nhiều phương thức liên lạc, bên cạnh hình thức gọi thoại và nhắn tin SMS qua dịch vụ mạng di động truyền thống. Tại Việt Nam hiện nay, người dùng có xu hướng sử dụng các ứng dụng OTT nhờ ưu điểm miễn phí cước, trong bối cảnh chi phí cho dữ liệu di động đang rẻ so với mặt bằng thu nhập chung. Bên cạnh đó, Wi-Fi phủ sóng từ nhà riêng tới công sở, quán cà phê, các địa điểm công cộng... cũng giúp thói quen này được phổ cập.
Nhưng xu hướng dùng ứng dụng OTT của người Việt cũng đòi hỏi điều kiện nhất định, bằng chứng cho thấy không phải phần mềm nào cũng có được sự thành công ở thị trường Việt Nam. Theo ông Hoàng Nam Đức - Giám đốc kinh doanh và phát triển của Rakuten Viber (cung cấp phần mềm Viber) tại thị trường Việt Nam, người Việt rất quan tâm tới vấn đề bảo mật khi chọn dùng ứng dụng OTT.
“Người dùng Việt Nam đánh giá cao về tính bảo mật và quyền riêng tư của nền tảng giao tiếp mà mình lựa chọn. Điều này là bởi các lo ngại về vấn đề an ninh liên quan đến các sự cố tấn công mạng đang gia tăng tại Việt Nam”, ông David Tse - Giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương của Rakuten Viber nói thêm.
Theo ông Hoàng Nam Đức, tại thị trường Việt Nam, mối quan tâm tới vấn đề bảo mật khi sử dụng ứng dụng gọi điện, nhắn tin của người dùng Việt được thể hiện rất rõ. Trên thực tế, có tới 54% người dùng Việt đưa ra quyết định lựa chọn sử dụng ứng dụng OTT Viber vì lý do bảo mật và quyền riêng tư.
Người dùng Việt đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. Số liệu của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho thấy, chỉ trong quý 1/2024 đã có tới 32.265 lượt tấn công mạng được báo cáo.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã đặt vấn đề về việc quản lý các dịch vụ OTT nhằm bảo vệ người dùng Việt Nam khi sử dụng các dịch vụ nhắn tin, gọi điện xuyên biên giới. Điều này đã được cụ thể hóa tại Luật Viễn thông sửa đổi được Quốc hội thông qua cuối năm 2023.
Một trong những điểm mới của Luật Viễn thông năm 2023 là việc đưa các dịch vụ nhắn tin, gọi điện OTT như Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật. Cụ thể, Điều 21 Luật Viễn thông 2023 đã đưa ra các quy định về việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới ngoài việc tuân thủ các nghĩa vụ theo cam kết trong các điều ước quốc tế, còn phải bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, chính sách công cộng
Doanh nghiệp viễn thông tham gia thỏa thuận thương mại với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam phải có phương án kỹ thuật để bảo đảm an ninh thông tin và thực hiện ngăn chặn khẩn cấp, ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhằm tăng cường mức độ bảo mật trong tương tác với người dùng, Rakuten Viber đã cung cấp giải pháp mã hóa đầu cuối cho tất cả các cuộc hội thoại, cuộc gọi cá nhân. Viber sẽ không lưu trữ các tin nhắn của người dùng trên máy chủ, nhưng vẫn sẽ đảm bảo khả năng kết nối luôn được bảo vệ bằng giao thức https, đảm bảo các thông điệp trao đổi giữa máy khách và máy chủ không bị "hackers", nhằm đem lại trải nghiệm an toàn cho người dùng.
Viber cũng giới thiệu và cung cấp ra thị trường Việt Nam phương thức an toàn cho các thương hiệu để chia sẻ mật khẩu kích hoạt (mã OTP). Tính năng này hiện đang được thử nghiệm với các thương hiệu Việt Nam. Trước đó, Rakuten Viber đã ra mắt tính năng "tin nhắn bảo vệ nâng cao", giúp xác minh số điện thoại của người nhận không liên quan đến hoạt động lừa đảo. Tính năng này đặc biệt hữu ích cho các ngân hàng, tổ chức tài chính và các công ty xử lý thông tin nhạy cảm.
Ứng dụng nhắn tin Viber hiện có gần 1,2 tỷ người dùng toàn cầu và xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng 10 năm trước.
Minh Anh