Lãi suất ngân hàng ngày 29/4/2025: Biến động mạnh ở nhiều ngân hàng Hướng dẫn mới về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng |
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng đã đạt tới 7,366 triệu tỷ đồng — mức cao kỷ lục và lần đầu tiên vượt tiền gửi từ khối tổ chức kinh tế (đang ở mức 7,362 triệu tỷ đồng). Đây là một dấu mốc đáng chú ý trên thị trường tài chính, phản ánh sự dịch chuyển dòng tiền rõ rệt trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức.
Như vậy, người dân đã gửi thêm 178.000 tỷ đồng, nâng tổng mức tăng trong hai tháng đầu năm lên tới 301.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 4,26% so với cuối năm 2024. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại giảm tháng thứ hai liên tiếp, tổng cộng rút khỏi hệ thống ngân hàng 305.000 tỷ đồng chỉ trong hai tháng.
Lý giải cho xu hướng này, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều người dân đang tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn và ổn định trong thời điểm các thị trường tài chính khác như chứng khoán, vàng hay bất động sản chưa thực sự khởi sắc hoặc tiềm ẩn rủi ro cao.
“Mặc dù lãi suất tiết kiệm không còn ở mức hấp dẫn như giai đoạn trước, nhưng gửi ngân hàng vẫn là lựa chọn được ưa chuộng nhờ tính an toàn và khả năng bảo toàn vốn,” ông Linh nhận định.
![]() |
Tiền gửi ngân hàng vượt 7,3 triệu tỷ niềm tin vào lãi suất hay lo ngại đầu tư? |
Ngoài ra, không ít người dân cũng xem gửi tiết kiệm là phương án tạm thời để chờ đợi cơ hội đầu tư khác có tiềm năng sinh lời cao hơn trong thời gian tới.
Tháng 2/2025 ghi nhận làn sóng tăng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng nhằm thu hút dòng vốn dân cư. Một số ngân hàng đẩy lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên tới 7,7%/năm – mức cao nhất trong nhiều tháng gần đây. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng dao động từ 4,8% - 5,9%/năm, còn kỳ hạn ngắn 3 tháng phổ biến từ 3,5% - 4,6%/năm.
Tuy nhiên, đà tăng này đã không kéo dài. Từ cuối tháng 2, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất đầu vào để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Kết quả, đến tháng 3 và tháng 4, 29 ngân hàng đã lần lượt điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,3 đến 1,3 điểm phần trăm, tùy từng kỳ hạn và sản phẩm.
Dù lãi suất có xu hướng hạ nhiệt, dòng tiền gửi từ người dân vẫn tiếp tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Theo các chuyên gia, điều này phản ánh tâm lý thận trọng của người dân trong bối cảnh nền kinh tế chưa thật sự ổn định sau đại dịch Covid-19, các cú sốc thiên tai như bão Yagi, và tác động của các biến động kinh tế toàn cầu, bao gồm cả căng thẳng thương mại.
Lãi suất tiết kiệm hiện nay cũng không đồng đều giữa các ngân hàng. Những ngân hàng lớn với thanh khoản dồi dào thường áp dụng mức lãi suất thấp hơn, trong khi các ngân hàng nhỏ – cần thu hút vốn – sẵn sàng trả mức lãi suất cao hơn để cạnh tranh.
Đặc biệt, theo ông Linh, lãi suất trung và dài hạn có xu hướng tăng nhẹ, trong khi lãi suất ngắn hạn giữ ở mức cơ bản. Đây có thể là chiến lược giữ chân khách hàng gửi tiền lâu hơn, tạo sự ổn định cho nguồn vốn huy động của các ngân hàng.
Trong bối cảnh chưa có nhiều tín hiệu rõ ràng về sự bứt phá của các kênh đầu tư khác, gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn hàng đầu với đa số người dân. Không chỉ vì mức lãi suất ổn định, mà quan trọng hơn là sự an tâm khi dòng tiền được bảo toàn.
Với tổng tiền gửi vượt mốc 7,36 triệu tỷ đồng, người dân đang thể hiện vai trò ngày càng lớn trong việc tạo dòng vốn cho hệ thống ngân hàng – một yếu tố quan trọng để duy trì thanh khoản và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế.