Thông báo số 403/TB-VPCP từ Văn phòng Chính phủ đã tổng kết lại những kết quả và thách thức trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả cụ thể, vẫn còn nhiều nhiệm vụ quan trọng chưa hoàn thành, và một số vấn đề còn tồn tại chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là các khuyến nghị từ Ủy ban châu Âu (EC).
Một trong những vấn đề nổi bật là tình trạng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), điều này vẫn tiếp diễn với số lượng lớn, gây khó khăn cho việc quản lý tàu cá và ngăn chặn khai thác IUU. Bên cạnh đó, nhiều tàu cá vẫn hoạt động sai vùng và chất lượng của nhật ký khai thác chưa đảm bảo độ tin cậy, dẫn đến việc giám sát và xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả.
Ngoài ra, việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho toàn bộ các tàu cá vẫn chưa được hoàn tất, và tình trạng tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác hải sản) vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số tổ chức, cá nhân còn buông lỏng quản lý, dẫn đến việc các tàu cá ra vào cảng mà không đảm bảo thủ tục, giấy tờ và trang thiết bị theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khắc phục các hạn chế hiện tại và nghiêm túc triển khai các quy định chống khai thác IUU. Nếu không thực hiện nghiêm túc, việc gỡ bỏ cảnh báo "thẻ vàng" từ EC sẽ rất khó khăn, và thậm chí có nguy cơ bị nâng cảnh báo lên mức "thẻ đỏ".
Tại tỉnh Kiên Giang, việc siết chặt quản lý đã giúp giảm đáng kể số tàu cá mất kết nối VMS khi hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản, từ 100-200 tàu/ngày xuống còn khoảng 15-30 tàu/ngày. Hiện tỉnh Kiên Giang có 3.605 tàu đánh cá đã lắp đặt thiết bị VMS, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều tàu cá tắt kết nối VMS, gây khó khăn cho công tác quản lý và phòng chống khai thác IUU.
UU là viết tắt của Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing, nghĩa là hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Đây là những hoạt động đánh bắt cá của tàu thuyền mà chưa có sự cho phép hoặc đã cho phép nhưng vi phạm các quy định về đánh bắt cá nhằm đem lại lợi nhuận lớn hơn so với việc đánh bắt tuân theo các quy định về đánh bắt thủy sản bền vững. Chống hoạt động IUU được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.
Thị trường EU là một trong ba thị trường xuất khẩu hải sản chủ lực của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam có 524 doanh nghiệp chế biến thủy sản được phép xuất khẩu thủy sản vào EU. Trước khi bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU khá thuận lợi, liên tục tăng mạnh (từ 90 triệu USD năm 1999 lên gần 1,5 tỉ USD năm 2017). Sau 3 năm bị áp thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU giảm xuống còn 1,22 tỉ USD năm 2020. Thẻ vàng ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu thủy sản. Trước khi bị cảnh báo thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU, thủ tục chỉ mất 1 - 3 ngày, sau khi áp thẻ vàng, thủ tục kéo dài 2 - 3 tuần, không những thế còn ảnh hưởng đến vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu không gỡ được thẻ vàng sẽ ảnh hưởng đến đời sống ngư dân, ảnh hưởng đến ngành thủy sản và vị thế của Việt Nam.
P.V (t/h)