Sau khi được chính phủ phê duyệt dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh tại xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, nay là phường Hải Yến, Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, 11 năm đã trôi qua vẫn chỉ là “dự án” vì sau khi khởi công rầm rộ dự án này mới chỉ xây xong phần tường rào, tuyến đường 513 đi ngang qua dự án này trở thành nỗi kinh hoàng với người tham gia giao thông vì nạn đất tặc.
Theo thiết kế, Nhà máy nhiệt điện Công Thanh do Công ty Cổ phần xi măng Công Thanh là chủ đầu tư, có công suất 600MW, bao gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ 300MW. Dự kiến đưa tổ máy số 1 vận hành trong quý 1 năm 2014 và tổ máy số 2 vào hoạt động trong quý 3 năm 2014. Khi đưa vào khai thác, nhà máy sẽ cung cấp 3,9 tỉ kWh điện mỗi năm, trước mắt cung cấp điện cho nhà máy xi Măng Công Thanh và khu công nghiệp Nghi Sơn nằm trong quy hoạch phát triển trung tâm.
Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của xã hội về một dự án lớn mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế xã hội của người dân nơi đây, hơn 10 năm kể từ thời điểm khởi công, dự án được thi công theo cách ì ạch, đối phó, tất cả các hạng mục chưa được triển khai ngoài việc xây tường rào và tiến hàng san lấp mặt bằng.
Năm 2019 Đoàn công tác của Bộ Công Thương có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc rà soát tiến độ một số dự án điện lực trên địa bàn tỉnh và tình hình thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thanh Hóa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn, đã thông tin về việc chậm tiến độ của Nhà máy nhiệt điện Công Thanh và mong muốn Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch tỉnh cam kết sẽ nỗ lực hết sức cùng các doanh nghiệp giải quyết khó khăn và hoàn tất các phần việc như giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ đề ra.
Nhưng sau rất nhiều chỉ đạo và kiến nghị của các ngành chức năng, dự án vẫn không thực hiện thi công các hạng mục chính, để nhà máy đi vào hoạt động.
Người dân nơi đây bắt đầu từ trạng thái hào hứng và phấn khởi với hy vọng nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho phần lớn lao động bị ảnh hưởng bởi dự án chuyển sang trạng thái thất vọng và buông xuôi khi dự án không thể thực hiện và người dân thì chịu sự ảnh hưởng nghiêm trọng từ đời sống đến ô nhiễm môi trường bởi việc lợi dụng dự án để khai thác đất trái phép của một số đối tượng trên địa bàn. Lãng phí nhất là diện tích hàng nghìn hecta của người dân đang ổn định sản xuất bây giờ bỏ hoang theo năm tháng.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Bê, Giám đốc phụ trách các dự án của Tập đoàn Công Thanh cho rằng “dự án chậm tiến độ là do giải ngân vốn, UBND tỉnh đã họp cùng tập đoàn và đưa ra phương án tháo gỡ, trong thời gian ngắn nữa là dự án sẽ thực hiện thi công các hạng mục theo thiết kế phê duyệt để đưa vào hoạt động”.
Không biết dự án sẽ tiếp tục thi công thời gian nào khi chính quyền địa phương đang lúng túng trong các phương án tháo gỡ, nhưng hậu quả nhãn tiền là người dân đang phải ghánh chịu những khó khăn do dự án chậm tiến độ đề ra.
Các ngành chức năng xem xét đánh giá tính khả thi của dự án, để đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn vướng mắc ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh, góp phần ổn định tình hình phát triển kinh tế xã hội và môi trường đầu tư của tỉnh trong tương lai.
Ngọc Lâm