Mảng kinh doanh giày resell (bán lại) đang nóng hơn bao giờ hết. Ảnh: Jesse Grant/Getty Images.
Thuật ngữ resell (bán lại) dùng để chỉ việc một người bán lại sản phẩm với mức giá thường là cao hơn giá mua gốc cho người mua. Sản phẩm được bán chưa hề qua sử dụng, rất quý, hiếm, khó mua và hết hàng cực nhanh tại các cửa hàng bán lẻ. Người mua các sản phẩm resell thường là những người đam mê thời trang và thích sưu tầm các sản phẩm hợp mốt.
Hãy gặp gỡ Niles Flowers, sinh ra tại New York (Mỹ), hiện đang làm việc tại một trong những ngân hàng lớn của thành phố. Sau khi bán một đôi giày Nike dòng Foamposite với giá 400 đô la Mỹ trong khi chỉ bỏ ra 200 đô để mua vào, anh đã bắt đầu bước chân vào thị trường giày resell.
"Tôi xem rất nhiều video trên Youtube," anh chia sẻ vào một tối muộn tháng Chín, trong khi đang xếp hàng chờ đợi bên ngoài cửa hàng của Kith để săn những đôi giày trong bộ sưu tập của Kith kết hợp cùng Tommy Hilfiger sẽ chính thức mở bán vào sáng hôm sau.
"Tôi bắt đầu bằng việc rao bán giày trên eBay, rồi tự xây dựng doanh nghiệp riêng. Tôi nhận mua hàng cho bất cứ ai có nhu cầu và bán những đôi giày thể thao từ các thương hiệu bình dân cho tới những đôi giày thể thao xa xỉ của Louis Vuitton, Dior hay Supreme. Nếu những đôi giày có giá trị cao, thông thường tôi sẽ đích thân gặp mặt khách hàng để giao dịch."
Niles Flowers, một nhân viên ngân hàng, bước chân vào thị trường giày resell sau khi bán một đôi giày Nike dòng Foamposite với giá 400 đô la Mỹ trong khi chỉ mua vào với giá 200 đô. Ảnh: Andria Cheng.
Bản thân Flowers cũng là một tín đồ thời trang. Khoác trên mình bộ cánh thời trang đường phố đắt tiền, trên chân là đôi giày Nike, anh chia sẻ mình cũng muốn dành cho bản thân một vài sản phẩm trong danh sách sắp mua, trong đó có chiếc áo khoác denim 250 đô anh định bán lại với giá 800 đô la Mỹ.
Vậy Flowers dựa vào đâu để biết mình nên mua món gì? Anh thường lên những trang so sánh giá như StockX hay Grailed để "phân tích thị trường".
Món hời nhất của Flowers là đôi giày Nike Air Jordan 1 Off White mua vào năm ngoái với giá 180 đô. Ngay sau khi bước chân ra ngoài cửa hàng, một người đã mua lại đôi giày của anh với giá 2.200 đô la Mỹ. "Thật sự rất bất ngờ. Sau đó tôi đã về nhà và mua trữ thêm vài đôi."
Ngày nay, Flowers chỉ còn phải ra ngoài đi "săn" giày ở cửa hàng khoảng hai lần một tuần. Nhờ các ứng dụng mua giày như SNKRS của Nike, anh không còn phải xếp hàng chờ đợi nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày liền, bên ngoài các cửa hàng nữa.
Những thương hiệu thời trang như Nike, Adidas hay Supreme đều ý thức được sức mạnh của những lần ra mắt những bộ sưu tập giới hạn. Điều này giúp họ giữ được sức nóng thương hiệu, tạo được sự chú ý và cả hiệu ứng mua lan tỏa sang những dòng giày khác.
Nike đã cho ra mắt ứng dụng SNKRS dành riêng cho những bộ sưu tập giới hạn như vậy. Đầu năm 2018, hãng đã giới thiệu dòng giày kết hợp với siêu sao bóng rổ LeBron James trên ứng dụng. Khách hàng có thể mua chúng ngay thời điểm nhìn thấy ngôi sao này mang đôi giày trên sân thi đấu. Chưa dừng lại ở đó, gần đây Nike cũng cho ra mắt dòng giày Cortez Kenny III kết hợp với Kendrick Lamar. Dòng giày này chỉ bán trên ứng dụng SNKRS và hướng tới những người hâm mộ nam rapper nổi tiếng này.
Nike thậm chí còn phát triển SNKRS và đưa chúng vào địa bàn của những cửa hàng thực. Tọa lạc tại lầu bốn của một trong những cửa hàng chính và chuyên bán hàng cao cấp mới mở của Nike ở New York là một căn phòng nhỏ khiêm tốn có biển SNKRS bên ngoài. Đây là nơi những tín đồ yêu giày và cả những người buôn giày lũ lượt đến để thưởng lãm và mua những đôi giày mới nhất. Khi nhấc một đôi giày lên, màn hình điện tử gần đó sẽ hiển thị mọi thông tin của sản phẩm. Một nhân viên cửa hàng cho hay gần đây dòng giày trong suốt Nike React Element 87 mới ra mắt vô cùng được ưa chuộng và luôn rơi vào tình trạng cháy hàng dù hàng đã về lại nhiều lần.
Những người cuồng giày và các con buôn sẵn sàng xếp hàng trong nhiều giờ, thâm chí nhiều ngày, để có được trong tay những đôi giày thuộc bộ sưu tập giới hạn vừa ra mắt. Ảnh: Andria Cheng.
Các nhà đầu tư vào cuộc
Mảng kinh doanh giày resell (bán lại) đang nóng hơn bao giờ hết. GOAT, một cái tên quen thuộc trong giới bán giày resell, nhận định thị trường này có trị giá lên tới hai tỉ đô la Mỹ. Các báo cáo khác cũng ước tính con số này nằm trong tầm khoảng 1-2 tỉ đô la Mỹ. Không chỉ thu hút fan cuồng của giày thể thao cùng những nhà sưu tầm, thị trường kinh doanh giày resell còn lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư chiến lược và cả những công ty đầu tư mạo hiểm.
Ngày 12.12, Farfetch, một công ty cung cấp nền tảng bán hàng xa xỉ online, công bố mình đã mua Satdium Goods, nền tảng giao dịch giày resell hàng đầu, với giá 250 triệu đô la Mỹ. Stadium Goods còn sở hữu một cửa hàng bán lẻ tại khu SoHo New York (Mỹ). Từ đây, quy mô bán hàng của công ty sẽ vươn rộng sang cả trang web của Farfetch, bên cạnh những trang web vốn đã hợp tác bao gồm Amazon, eBay và Alibaba của Trung Quốc.
Farfetch vừa lên sàn chứng khoán vào năm 2018. Công ty nhận định sự kết hợp nói trên sẽ giúp mình "bành trướng thị phần trong ngành bán lẻ thời trang xa xỉ đang phát triển hết sức nhanh chóng và nhộn nhịp." Farfetch cũng chia sẻ sẽ dùng dữ liệu, công nghệ và mạng lưới logistics hiện có để giúp Stadium Goods vươn rộng tầm phủ sóng ra thị trường toàn cầu, đáp ứng với nhu cầu đang ngày một tăng cao.
Stadium Goods chỉ là một trong số những công ty kinh doanh giày resell nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư. Tháng 2.2018, GOAT và Fight Club, hai cái tên hàng đầu trong phân nhánh kinh doanh giày resell, tuyên bố sẽ "về chung một nhà". Thương vụ này nhận được 60 triệu đô la Mỹ đầu tư mới từ Index Ventures, một nhà đầu tư cũng đang rót vốn vào Farfetch, hứa hẹn giúp cả hai thương hiệu vươn xa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế."
Một ví dụ điển hình khác là StockX, một công ty hai năm tuổi cung cấp dịch vụ so sánh giá cho các đôi giày được bán lại. Tháng 9.2018, doanh nghiệp này đã kết thúc vòng gọi vốn series B với 44 triệu đô la Mỹ trong tay.