Nghệ An: Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

20:19 11/03/2022

Đó là một trong những nội dung nằm trong Kế hoạch về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được UBND tỉnh Nghệ An ban hành…

Kế hoạch về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được UBND tỉnh Nghệ An ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội…Theo đó, để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu:

Cục Thuế tỉnh: Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành và các cơ quan có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các chính sách theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trì thực hiện các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế giá trị gia tăng, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm. 

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Nghệ An tổ chức buổi làm việc bàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ huy động lao động trở lại làm việc cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp VSIP Nghệ An.

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Nghệ An: Triển khai kịp thời các quy định về thực hiện các nội dung hỗ trợ lãi suất cho vay phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đến các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD trên địa bàn. Chỉ đạo các TCTD, chi nhánh TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tăng cường các giải pháp huy động vốn, nhất là tập trung cho các nhóm đối tượng, lĩnh vực ưu tiên vốn tín dụng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường.

Sở Công Thương: Chủ động nắm bắt, tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng cường hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp đối mới công nghệ, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, phát triển thị trường,... từ nguồn kinh phí khuyến công để mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất. Chú trọng cung cấp thông tin thị trường, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Xây dựng chương trình làm việc với các đơn vị logistics có uy tín, tham mưu Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển thương mại điện tử nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với Công ty Điện lực Nghệ An nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho doanh nghiệp, người dân vào thời điểm phù hợp theo quy định và hướng dẫn của Trung ương. 

Ảnh minh họa
Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo sát tình hình sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nông nghiệp có điều kiện kết nối, nhằm hình thành chuỗi cung ứng nông sản có khối lượng sản phẩm đủ lớn, đa dạng theo nhu cầu thị trường, nâng cao sự ổn định và bền vững cho các chuỗi liên kết. Tham mưu triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 01/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 75/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai tốt Kế hoạch số 566/KH-UBND ngày 07/10/2021 của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. 

Ảnh minh họa
Doanh nghiệp may mặc Nghệ An duy trì sản xuất trong bối cảnh đại dịch covid-19. 

Các thành viên Tổ công tác đặc biệt thành lập tại Quyết định số 3599/QĐ- UBND ngày 04/10/2021 của UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn; bộ phận giúp việc của Tổ công tác và các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ trong Kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác phối hợp chặt chẽ, đề cao tính trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị để triển khai nhiệm vụ đảm bảo thực chất, hiệu quả.

Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực của ngành tài chính. Quản lý và điều hành ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Đảm bảo nguồn lực, không để phát sinh tình trạng chậm, muộn, nợ đọng tiền lương, các chế độ chính sách an sinh xã hội. Đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống dịch và hỗ trợ các đổi tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chủ trì tham mưu UBND tỉnh về việc miễn, giảm tiền nước cho người dân, doanh nghiệp theo quy định. 

Ảnh minh họa
Hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Cửa Lò (Nghệ An). 

Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam: Tiếp tục tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cho các doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt và phục hồi, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ giải quyết kịp thời các cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan giải quyết kịp thời thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, người lao động nước ngoài, để doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất. Tăng cường kết nối, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động, nhất là hoạt động tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động trong năm 2022.

Các sở, ngành liên quan như Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch & Đầu tư… tập trung cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị, thành tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo công tác cải cách hành chính ở mỗi cơ quan, đơn vị. Tập trung rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường việc giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến (mức độ 3, 4), rút gọn thời gian giải quyết cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Văn Cương – Hoàng Lan