Nghệ An: Doanh nghiệp dệt may chủ động ứng phó với làn sóng Covid-19 mới, đón tin vui khi đơn hàng dồi dào trở lại

20:45 08/06/2021

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng ngành dệt may Nghệ An vẫn liên tiếp đón tin vui khi đơn hàng dồi dào trở lại, đáp ứng đủ cho sản xuất từ nay đến cuối năm.

Dệt may là một trong những ngành chịu tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của ngành, các doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An đã tìm được những hướng đi phù hợp, thích ứng với các điều kiện mới và đạt được nhiều kết quả khả quan ngay trong quý đầu của năm 2021. Với chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực may mặc ngày càng hấp dẫn, Nghệ An dần trở thành thị trường 'màu mỡ' không chỉ cho các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước, mà còn ở một số nước trong khu vực tìm đến đầu tư. Ngoài 20 dự án đã đi vào hoạt động và dần mở rộng quy mô sản xuất, hiện tỉnh Nghệ An còn có 10 dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư để sớm đi vào hoạt động, sẽ mở ra nhiều triển vọng cho ngành may mặc xuất khẩu của địa phương. 

  Các doanh nghiệp dệt may Nghệ An chủ động ứng phó với dịch Covid-19 để đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình mới.

Mặc dù dịch Covid- 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng chuỗi cung ứng về nguyên liệu dệt may không bị đứt gãy kết hợp với giá trị đầu tư ngành dệt may khá nhanh, nên giá trị sản xuất ngành này trong quý I/2021 tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may tăng 15% so với cùng kỳ và chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá toàn tỉnh Nghệ An. Trong 5 tháng đầu năm 2021, dệt may của Nghệ An đạt kim ngạch 139 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu thế xuất khẩu của Nghệ An chủ yếu theo hướng gia công hàng hoá với các đơn hàng lớn đầy tiềm năng từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nên lượng hàng hoá vẫn tương đối ổn định.

Để đảm bảo sản xuất ổn định, doanh nghiệp dệt may của Nghệ An đã trang bị đầy đủ cho người lao động các trang thiết bị cần thiết để phòng chống dịch như cồn sát khuẩn, khẩu trang… Đồng thời, tăng cường tuyền truyền về phòng chống dịch bệnh trên mọi phương tiện.

Được biết, dệt may Nghệ An hiện là ngành có lực lượng lao động lớn, với 25.000 lao động chủ yếu ở nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2021, tỉnh Nghệ An dự kiến xuất khẩu 330 triệu USD. Kế hoạch này khả thi, vì ngành dệt may đang đứng trước lợi thế rất lớn về các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, các hiệp định cũng mở ra cơ hội nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu sản xuất với chi phí hợp lý. Song, để ngành dệt may Nghệ An phát triển bền vững thì việc lựa chọn quy mô dự án và bố trí không gian phù hợp bảo đảm khả năng về cung ứng lao động tại chỗ cũng cần phải quan tâm. 

  Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung thăm hỏi, động viên người lao động đang làm việc tại Nhà máy may An Hưng đóng trên địa bàn xã Công Thành (huyện Yên Thành)

Trong quý II/2021, nhiều doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An đã ký kết được các đơn hàng đến tận cuối năm. Ghi nhận tại Công ty CP Tập đoàn An Hưng, đóng trên địa bàn xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho thấy, dây chuyền sản xuất với trên 1.000 công nhân đang khẩn trương may hoàn thiện những đơn hàng xuất khẩu đi các nước như Mỹ và Canada. Ông Đặng Việt Dũng - Trưởng phòng quản lý nhân sự Công ty CP Tập đoàn An Hưng cho biết: “Hiện doanh nghiệp này có rất nhiều đơn đặt hàng, nhưng vì đã “quá tải” nên mới chỉ nhận đơn sản xuất đến cuối năm.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất trong tình hình mới, ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương Nghệ An) cho biết: Thời gian tới, tỉnh Nghệ An tập trung vào sản xuất những sản phẩm phục vụ ngành may. Nhất là công nghiệp hỗ trợ của ngành may mặc để gia tăng giá trị trong ngành dệt may, như: Sản xuất khâu áo, chỉ may, khuy, các thiết bị phục vụ ngành may mặc... Bên cạnh đó, phát triển trung tâm thiết kế thời trang, đào tạo nhân lực cho ngành may mặc để tiến lên công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị…

Văn Cương