Doanh nghiệp xin cơ cấu lại nợ vay
Cũng như các địa phương khác trên cả nước, đại dịch Covid-19 đã khiến DN bị thiệt hại nặng nề, sản xuất đình đốn và rất cần được ngành ngân hàng “tiếp sức” để vực dậy sau dịch. Ông Bùi Gia Nên - Phó Chủ tịch Hiệp hội doang nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Bình Phước cho biết, trên thế giới hiện nay bước vào giai đoạn đầu của giảm phát vì thế phía Ngân hàng cần có những chủ trương kịp thời tạo chính sách huy động lãi suất ở ngưỡng thấp để cấp mới cho DN với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện nay.
Với ngành điều, ông Trần Hoàng Ý - Phó Chủ tịch Hội điều Bình Phước kiến nghị xem xét giãn nợ kéo dài thời hạn trả nợ đối với các khoản vay đã mua hạt điều thô, giảm lãi suất vay để hỗ trợ một phần thiệt hại do giá điều nhân giảm.
Theo ông Trần Phú- Vận tải Thành công cho rằng, NHNN cho phép doanh nghiệp được cơ cấu lại khoản nợ vay, giảm thời gian trả nợ gốc từ 3-6 tháng, cần có thời gian để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Ghi nhận các kiến nghị của DN, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, với các kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ NHNN sẽ cân nhắc rất kỹ lưỡng để đưa ra quy định phù hợp. Riêng đối với các DNNVV và các hộ kinh doanh ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, NHNN sẽ chỉ đạo các NHTM đóng trên địa bàn quan tâm sâu sát, đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp, nhanh chóng nhất để mọi khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ của Thông tư 01 đều nhận được các ưu đãi về tài chính và chia sẻ của ngành Ngân hàng.
Xem xét giảm lãi suất, cơ cấu nợ khoảng 9.900 tỷ đồng
Tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, ông Lê Văn Kháng - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, trong các tháng vừa qua có khoảng 40% DN nhỏ trong tỉnh gặp khó khăn, thua lỗ và có khả năng phá sản trong năm nay hoặc năm 2021. Do đó ông Kháng kiến nghị các chính sách hỗ trợ của ngân hàng cần phải linh hoạt về các mốc thời gian.
Chẳng hạn, DN trước khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đã vay vốn nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, những khoản vay này có thể đã vay trước 23/1/2020 nhưng nay do nguyên liệu đã nhập về chưa sản xuất được, hoặc đã sản xuất rồi nhưng chưa bán được hàng hóa sản phẩm, dẫn đến tồn kho, chờ đối tác mua lại… Vì thế, DN mong muốn các ngân hàng xem xét mở rộng thời gian hỗ trợ đối với các khoản vay mua nguyên liệu sản xuất.
Theo ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh có rất nhiều DN kinh doanh khách sạn, lưu trú bị thiệt hại 100% trong nhiều tháng qua. Vì vậy, trong quý 3 các ngân hàng thương mại nên tiếp tục đồng hành, tính toán cơ cấu thời hạn trả nợ dài hơn và tăng hạn mức cho vay mới nhiều hơn đối với các DN du lịch, khách sạn, lưu trú để họ phục hồi và trả hết nợ cũ.
Với những khó khăn mà DN phản ánh, các chi nhánh ngân hàng tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết luôn chủ động, tích cực hỗ trợ đối với khách hàng và cam kết sẽ cung ứng đủ nguồn vốn cho vay mới trong các tháng tới để họ phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó các tổ chức tín dụng trên địa bàn hiện đang xem xét, giải quyết khoảng 2.000 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của DN, hộ kinh doanh với tổng dư nợ đề nghị hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ là khoảng 9.900 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cộng đồng DN có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời kỳ cao điểm của dịch bệnh.
Mai Hà