Ngành công nghệ thông tin: “Thời cơ vàng” để tăng tốc

00:00 12/10/2020

Thời gian qua, công nghệ thông tin (CNTT) là ngành có tốc độ phát triển nhanh, ấn tượng với tốc độ tăng trưởng gần 30%/năm; trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

 Công nghệ thông tin - ngành nghề hấp dẫn bạn trẻ

Doanh thu lớn

Theo Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), ngành CNTT Việt Nam trong những năm qua có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Doanh thu ngành năm 2017 đạt trên 70 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 780.926 lao động. Trong đó, ngành công nghiệp phần cứng có đóng góp đặc biệt với trên 60 tỷ USD, chiếm trên 86% tổng doanh thu với khoảng 3.500 doanh nghiệp (DN). Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đầu tư nhiều tỷ USD xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam.

Cụ thể, Tập đoàn Samsung xây dựng 8 nhà máy và 1 trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) với tổng giá trị đầu tư trên 17,3 tỷ USD; LG đầu tư nhà máy sản xuất và lắp ráp điện thoại có tổng giá trị lên tới 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng. Ngoài ra, nhà máy sản xuất chip dành cho máy tính xách tay và thiết bị di động lớn nhất thế giới của Intel tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh đến nay đã đạt giá trị đầu tư khoảng 1,04 tỷ USD, cung cấp 80% sản lượng chip của Intel trên toàn cầu.

Sự phát triển của CNTT góp phần ghi tên Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới. Công ty nghiên cứu và tư vấn về CNTT hàng đầu thế giới - Gartner đã công bố bản báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công CNTT tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2016”, trong đó Việt Nam được xếp là một trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực này. Hãng nghiên cứu Tholons cũng đánh giá Việt Nam đứng thứ 8 trong các quốc gia hàng đầu cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực CNTT.

Tạo điều kiện phát triển

Cũng theo VINASA, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng, tạo môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển ngành CNTT tại Việt Nam. Tiêu biểu, Nghị quyết 36 ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Quyết định 392 ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN CNTT và đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển CNTT trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng. Nghị quyết này đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân. Ví dụ, đối với dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực CNTT sử dụng thường xuyên trên 1.000 lao động được áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm…

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với trên 65% dân số dưới 35 tuổi. Toán học và ngành CNTT đang là những ưu tiên lựa chọn hàng đầu của các sinh viên, học sinh Việt Nam. Với trên 290 trường đại học có chuyên ngành CNTT và 55.000 sinh viên được tuyển hàng năm, Việt Nam đang là quốc gia hấp dẫn đối với thế giới về nguồn nhân lực CNTT trẻ, dồi dào và có năng lực. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 1.026.000 tỷ đồng, tăng khoảng 16,15% so với cùng kỳ năm 2017.

Quỳnh Nga