Thông tư 14 là văn bản sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu theo các Thông tư 01, 03 và 14 là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng với dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng, lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.
Hiện tại, đại dịch cơ bản đã được kiểm soát với tỉ lệ tiêm chủng toàn dân đạt mức cao, doanh nghiệp và người dân đã trở lại trạng thái hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, nhưng ngân hàng đứng trước áp lực về các khoản nợ xấu sẽ tăng cao khi thông tư 14 kết thúc. Sức ảnh hưởng của đại dịch lên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi hoàn toàn hoạt động kinh doanh sản xuất trong thời gian ngắn và những khoản nợ sau khi được tạo điều kiện cơ cấu lại đang xếp ở nợ nhóm 1 và 2 nhưng vẫn không thể cải thiện sẽ buộc hệ thống phải chính thức ghi nhận là nợ xấu.
Do triển vọng về nợ xấu gia tăng vào năm 2022 nên từ cuối năm 2021, phần lớn các ngân hàng đã tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro để giúp cải thiện chất lượng tài sản trong bảng cân đối kế toán. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, xu hướng này tiếp tục được duy trì khi 45,5% số ngân hàng dự kiến tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, 36,4% số ngân hàng duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro như năm trước và chỉ có 18,2% giảm trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu khiến tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu trung bình giảm nhẹ từ 118% hồi đầu năm xuống còn 112% khi kết thúc quý 1/2022 và còn tiếp tục giảm trong giai đoạn tới.
Nhiều chuyên gia tự tin rằng ngành ngân hàng sẽ xử lý và kiểm soát tốt nợ xấu và tiếp tục phát triển trong giai đoạn siết chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương toàn thế giới khi lại có xu hướng thu hút dòng tiền gửi từ nền kinh tế. Cụ thể, theo báo cáo của Vietnam Report, 63,6% số chuyên gia và ngân hàng dự báo tăng trưởng của ngành cao hơn cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với mức năm ngoái là 58,8%. Chỉ có 9,1% số chuyên gia và ngân hàng tỏ ra thận trọng với triển vọng ngành, con số tích cực nếu so sánh với thời điểm đại dịch lan rộng và phủ bóng đen lên hầu khắp các nền kinh tế, khiến cho 76,9% số chuyên gia và ngân hàng lo ngại về suy giảm tăng trưởng (tháng 6/2020). Ngoài việc thu hút nguồn tiền gửi, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cũng như chuyển đổi số đang là các thế mạnh giúp ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Dũng Nguyễn