Nền kinh tế Mỹ hiện đã lấy lại được số việc làm bị mất trong thời kỳ đại dịch, sau khi báo cáo việc làm trong tháng 7 cho thấy mức tăng 528.000 việc làm, theo dữ liệu do Cục Thống kê Lao động (BLS) công bố hôm thứ Sáu (5/8).
Theo Refinitiv, mức tăng hàng tháng lớn hơn gấp đôi con số 250.000 mà các nhà kinh tế dự báo.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5% sau khi giữ ở mức 3,6% trong bốn tháng qua. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 phù hợp với mức thấp nhất trong nửa thế kỷ được thấy lần cuối vào tháng 2 năm 2020.
Sự mất cân bằng trong khu vực công và khu vực tư nhân
Số liệu việc làm được công bố hôm thứ Sáu đánh dấu tháng tăng trưởng việc làm thứ 19 liên tiếp và là mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ khi nền kinh tế có thêm 714.000 việc làm trong tháng Hai. Dữ liệu của BLS cho thấy tổng số việc làm của tháng Bảy vượt xa mức tăng trung bình hàng tháng là 388.000 việc làm trong bốn tháng qua.
Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu đã ca ngợi báo cáo tháng 7 và ca ngợi kết quả thu được sau các chính sách kinh tế được triển khai.
"Đó là kết quả của kế hoạch kinh tế mà tôi đã xây dựng. Những báo cáo hôm nay cho thấy những tiến bộ đáng kể đối với tình hình lao động", ông nói trong một tuyên bố.
Sự tăng trưởng việc làm phổ biến trong các lĩnh vực, trong đó dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải trí và khách sạn chứng kiến mức tăng lớn nhất. Tuy nhiên, việc làm trong lĩnh vực dịch vụ vẫn còn ít hơn 1 triệu việc so với mức trước đại dịch.
Trong số 528.000 việc làm được tăng thêm, có 122.000 trong lĩnh vực giáo dục và dịch vụ y tế; 96.000 ở giải trí và khách sạn (bao gồm 74.000 ở nhà hàng và quán bar); và 89.000 trong lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt vẫn còn tồn tại, việc làm trong khu vực công, đặc biệt là chính quyền thành phố và quận và giáo dục công. Các công việc liên quan đến chính phủ thấp hơn 597.000 so với mức trước đại dịch.
Nick Bunker, giám đốc nghiên cứu kinh tế của Indeed tại Bắc Mỹ nói với trang tin CNN: "Khu vực công đã không tăng lương để có thể cạnh tranh với khu vực tư nhân. Điều này đã khiến số lượng việc làm có sự chênh lệch".
Tình trạng việc làm trong bối cảnh lo ngại về suy thoái
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm xuống 62,1% từ mức 62,2% của tháng Sáu, mức giảm thứ ba trong nhiều tháng.
Trong khi nhu cầu lao động vẫn cực kỳ mạnh mẽ, nguồn cung công nhân không phục hồi như hồi đầu năm nay, Bunker nói.
Ông nói với CNN Business: “Có những lo ngại rằng nhu cầu vẫn rất mạnh, nhưng khả năng hoặc mức độ sẵn sàng nhận việc của người lao động không đáp ứng được nhu cầu như chúng ta hy vọng”.
Ông nói thêm, sự mất cân bằng đó đã góp phần làm tăng mức tăng lương.
Tính đến tháng 7, thu nhập trung bình theo giờ đã tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 5,2% trong năm qua. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa thể theo kịp với tốc độ gia tăng lạm phát. Lạm phát nước này đang chạm mức cao nhất trong 40 năm
Elise Gould, nhà kinh tế cấp cao của Viện Chính sách Kinh tế, cho biết tăng trưởng tiền lương chắc chắn không tăng nhanh như lạm phát.
Các nhà kinh tế đã dự báo thị trường lao động sẽ giảm nhiệt do những lo lắng về tác động của một suy thoái kinh tế.
Thế nhưng, theo Mark Hamrick, nhà phân tích kinh tế cấp cao của Bankrate, cho biết trong một tuyên bố: “Bất chấp hai quý liên tiếp giảm trong nửa đầu năm, thị trường việc làm đã phục hồi mạnh mẽ bất chấp những lời bàn tán về suy thoái kinh tế".
Lyly