"Năm 2019 VCCI có nhiệm vụ vô vùng quan trọng!"

00:00 12/10/2020

Đó là khẳng định của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại buổi thăm và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sáng 13/2.

Báo cáo về tình hình hoạt động và phương hướng phát triển của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, Tổ chức quốc gia của giới doanh nhân đã được thành lập ngày 13/10/1945 mang tên Công thương cứu quốc đoàn do các nhà tư sản dân tộc lập ra. 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thay mặt VCCI và cộng đồng doanh nghiệp kính tặng ông Trần Thanh Mẫn bức ảnh Bác hồ với giới doanh nhân Việt Nam. Bức ảnh ghi lại thời khắc quan trọng, ngay sau khi trở thành Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ giới công thương tại Hà Nội. 

“Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh có gửi bức thư đầu tiên tới tổ chức này. Bác viết: Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ. 

Đặc biệt, về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”. Tuy nhiên, tổ chức này sau đó đã giải thể. 

Đến năm 1963, Đảng và Nhà nước quyết định thành lập lại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. “Lúc đó gọi là Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với tư cách là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người ký Quyết định phê chuẩn điều lệ”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

Thời kỳ những năm 1963-1993 là thời kỳ chiến tranh, tổ chức Phòng Thương mại chủ yếu tuyên truyền phản đối chính sách bao vây cấm vận của Mỹ, đồng thời kêu gọi giới doanh nhân tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc. “Chỉ từ khi đầu năm 1990, vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới bắt đầu được đề cao. Đến năm 1993, chức năng nhiệm vụ mới chính thức được xác định cụ thể, rõ ràng, khi tổ chức Đại hội Phòng Thương mại lần thứ hai”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Tới năm 2011, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Đến nay, chỉ có một tổ chức chính trị nghề nghiệp duy nhất là VCCI làm nhiệm vụ cho 4 đại diện gồm: cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, giới sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp. VCCI cũng là tổ chức quốc gia đại diện cho toàn thể cộng đồng doanh nghiệp bao gồm 700.000 doanh nghiệp và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh. VCCI do Đảng và Nhà nước lập ra, do Thủ tướng phê duyệt điều lệ, điều này khác với bất cứ hiệp hội doanh nghiệp nào khác ở Việt Nam bởi các hiệp hội là do các doanh nghiệp tự vận động thành lập, quyết định phê chuẩn là do Bộ Nội vụ được Nhà nước công nhận.

Cùng với đó, VCCI cũng là thành viên tích cực của Uỷ ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Việt Nam.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: VCCI là tổ chức chính trị nghề nghiệp làm nhiệm vụ cho 4 đại diện gồm: cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, giới sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp. 

Đặc biệt, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, thời gian qua, VCCI đã làm được nhiều việc thực hiện chức năng của mình. Là đội quân tiên phong trong phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân. VCCI là nhân tố tích cực tham gia và cải cách thể chế.

Đảng đoàn VCCI đã đề xuất và tham gia soạn thảo Nghị quyết 09 về xây dựng đội ngũ doanh nhân ở Việt Nam cũng như góp phần xây dựng và triển khai phổ biến Luật Doanh nghiệp. VCCI cũng là lực lượng tiên phong trong thúc đẩy hội nhập ở Việt Nam.

VCCI đóng vai trò là Chủ tịch hội đồng tư vấn APEC, là Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, tâp hợp 16 Hiệp hội doanh nghiệp cộng đồng kinh doanh quốc tế tại Việt Nam. VCCI là Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Thủ tướng... VCCI cũng đã sáng kiến thành lập Hiệp hội doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng với đó, VCCI cũng đi đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành lập một hệ thống hỗ trợ DNNVV.

Đặc biệt, VCCI là người tiên phong cho thúc đẩy khởi nghiệp. “Phong trào khởi nghiệp VCCI đã làm 16 năm nay, với hàng loạt các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp được tổ chức liên tục”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Cũng như phát động phong trào thi đua yêu nước trong doanh nghiệp, doanh nhân yêu nước, cúp Thánh Gióng của VCCI hiện là giải thưởng danh giá cấp quốc gia.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, trong suốt hành trình đàm phán các hiệp định, VCCI luôn là lực lượng xung kích đi đầu cũng như luôn kiên định kiến nghị với Đảng và Nhà nước thúc đẩy hội nhập của Việt Nam, những ý kiến đóng góp của VCCI đã được báo cáo trực tiếp đến được Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau đó đều được chấp nhận. VCCI Không chỉ mở rộng thị trường mà còn là thúc đẩy cải cách ở Việt Nam.

VCCI cũng tham gia tích cực vào Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam như phong trào thi đua yêu nước trong doanh nhân, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

VCCI đã nghiên cứu công bố Báo cáo nghiên cứu “Năng lực cạnh tranh bền vững và cân bằng của Việt Nam” thuộc Đề tài nghiên cứu “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp” trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận giai đoạn 2016-2020 của Hội đồng lý luận Trung ương. Kết quả nghiên cứu đề tài sẽ cung cấp những luận cứ khoa học xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Với 36 chuyên đề tập hợp các chuyên gia hàng đầu, tháng 3 này sẽ bảo vệ và đưa ra những khuyến nghị.

Cùng với đó, VCCI còn có điểm sáng trong nỗ lực kiến nghị cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh. “Trong cuộc họp mới đây của Tổ công tác của Thủ tướng, Thủ tướng nói không phải ai cũng vui khi nghe tiếng nói của VCCI. Nhưng cần phải nghe những ý kiến phản biện độc lập, có trách nhiệm như vậy mới thúc đẩy được cải cách của Việt Nam ”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.

VCCI theo đó đã kiến nghị mạnh mẽ việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. Trong công tác thuế và hải quan, với sự chỉ đạo của Uỷ ban Mặt trận, VCCI đã đưa ra những kiến nghị cũng như hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các hoạt động đối ngoại quan trọng của quốc gia cũng đều có dấu ấn của VCCI. Trong năm qua, cùng với Hội nghị thưởng đỉnh về doanh nghiệp và Hội nghị kinh doanh Việt Nam, hai sự kiện quan trọng là Hội nghị cấp cao tiểu vùng sông Mê Công và Diễn đàn kinh tế thế giới về Asean đều được VCCI tổ chức thành công, được cộng đồng kinh doanh quốc tế ghi nhận.

Bày tỏ hết sức vui mừng trước những thành tựu mà VCCI đã làm được, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn chia sẻ lần đầu tiên đến thăm trụ sở VCCI.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, thành lập từ năm 1963, VCCI đã có bề dày lịch sử hình thành phát triển. “Đặc biệt trong thời kỳ hội nập kinh tế quốc tế, đây là tổ chức độc lập, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh. 

Trần Thanh Mẫn

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tặng bức ảnh Bác Hồ và Bác Tôn cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Trong nhiều thời kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020, ông Trần Thanh Mẫn nhận định kinh tế đất nước đã phát triển ổn định, đảm bảo kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đến năm 2018 kinh tế tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

“Với một đất nước xuất khẩu 475 tỷ USD, trong đó 40 tỷ USD nông nghiệp là điều đáng mừng. Tổng sản phẩm GDP 245 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ mức 60-62 tỷ USD. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô ổn định là điều kiện thu hút đầu tư. Những thành tựu này có được là nhờ sức mạnh đóng góp của toàn Đảng, toàn dân, trong đó, có vai trò không nhỏ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”, ông Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Toàn cảnh cuộc gặp.

Toàn cảnh buổi thăm và làm việc của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thẳng thắn chỉ ra, còn nhiều tồn tại trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Thứ nhất, kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo; Thứ hai, ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến vào sản xuất chưa nhiều. “Xem lại những thiết bị của doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất đa phần còn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tiến trình phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Thứ ba, là đất nước xuất phát từ nền nông nghiệp nhỏ bé đi lên, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, kế hoạch phát trển kinh tế xã hội, với vai trò của VCCI  là rất quan trong. 

“Tôi luôn tin tưởng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là thành viên tích cực của Uỷ ban Mặt trận, là thành viên tiên phong trong những phong trào mà Uỷ ban Mặt trận kêu gọi như hỗ trợ người dân trong khắc phục thiên tai lũ lụt, nâng cao năng suất, giám sát cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngành thuế hải quan… Tại các diễn đàn Quốc hội, diễn đàn Chính phủ, các diễn đàn trong và ngoài nước, VCCI đã góp phần cho UBMT tập hợp những kiến nghị cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Trần Thanh Mẫn nhận định, VCCI là tổ chức độc lập có tiếng nói rất mạnh, việc làm rất hiệu quả, bối cảnh đặc biệt năm 2019 khiến VCCI có nhiệm vụ vô vùng quan trọng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tin tưởng năm 2019, VCCI sẽ đạt được nhiều hiệu quả hơn.

Bài: Thy Hằng - Ảnh: Ngọc Hà