Trong vòng 15 năm trở lại đây, giữ vai trò trọng tâm của thị trường kim loại đồng toàn cầu là một dãy nhà kho đặt ở khu tự do thương mại Thượng Hải, Trung Quốc.
Theo hãng tin Bloomberg, các nhà giao dịch kim loại từ London cho tới Lima đều bị chi phối bởi dòng chảy vào ra ở kho ngoại quan kim loại đồng với quy mô khổng lồ nói trên. Nơi này là trung tâm của thị trường trị giá hàng tỷ USD của hoạt động giao dịch đồng kiểu mua bán sang tay nhận tiền mặt, và cũng là nơi mà các công ty Trung Quốc dùng số đồng mà họ có làm tài sản thế chấp để vay vốn với lãi suất rẻ. Chợ đồng Thượng Hải sôi nổi đến mức nhiều nhà phân tích chỉ chuyên việc đánh giá và ước tính quy mô của kho đồng lớn nhất thế giới này.
Oilprice.com và nền tảng MetalMiner đều nhất trí rằng các đợt phong toả của Trung Quốc đã tác động sâu sắc đến lĩnh vực chế tạo và nhu cầu kim loại công nghiệp của nước này, dẫn đến sự trầm lắng của thị trường.
Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa câu chuyện. Sự sa sút của thị trường bất động sản Trung Quốc là nửa còn lại, bởi hoạt động xây dựng nhà ở sa sút đã gây ảnh hưởng cho nhu cầu kim loại của Trung Quốc.
Điều đó đồng nghĩa rằng đợt tăng giá lần này của thị trường kim loại chỉ có thể trở nên bền vững và kéo dài lâu hơn nếu nhu cầu mua bán nhà đất của người dân Trung Quốc tăng lên.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản tại Trung Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm trong tháng 10, khiến nhu cầu kim loại trở nên yếu hơn.
Nhập khẩu đồng chưa gia công và các sản phẩm đồng khác giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với thị trường thép xây dựng, nhu cầu mất gần 30%.
May mắn là chính phủ Trung Quốc gần đây đã công bố gói giải pháp 16 điểm để hỗ trợ lĩnh vực nhà đất. Song, dù động thái này rất đáng hoan nghênh, có thể gói giải pháp vẫn chưa đủ để kéo thị trường này ra khỏi tình trạng ảm đạm.
Chưa kể, việc nới lỏng chiến lược Zero COVID có thể chưa phát huy hiệu quả ngay, đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn đang báo cáo hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, oilprice.com lưu ý thêm.
Mặt khác, nhu cầu của người tiêu dùng chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường kim loại. Đối với một thị trường đã đi xuống trong suốt 13 tháng qua, việc duy trì tâm trạng tích cực hiện tại có thể là một thách thức lớn.
Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng có khả năng việc kết thúc các hạn chế nghiêm ngặt để phòng chống đại dịch Covid-19 của Trung Quốc có thể vực dậy nhu cầu của nước tiêu thụ hàng hóa hàng đầu thế giới này. Giá đồng kỳ hạn ở Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng hơn 10% trong hai tuần đầu tiên của tháng 11. Các hợp đồng kẽm và thiếc kỳ hạn ở sàn này cũng vừa trải qua tuần tăng giá mạnh kể từ mùa hè, trong khi giá nhôm tăng hơn 6%.
Cú bật dậy này nối dài một năm đầy biến động của các kim loại công nghiệp, được sử dụng để sản xuất mọi thứ, từ máy bay, dây điện cho đến ô tô. Giá đồng, nhôm và thiếc ở London đã đạt mức cao kỷ lục vào đầu năm nay do nguồn cung thắt chặt sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, giá năng lượng leo thang và các nước mở cửa trở lại sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Nhưng sau đó, nỗi lo suy thoái kinh tế và tình trạng phong tỏa kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc đã khiến các kim loại công nghiệp ở thị trường London trải qua 7 tháng giảm giá tồi tệ trong hơn một thập niên.
Giờ đây, giá kim loại đang phục hồi mạnh mẽ và hướng đến tháng tăng giá mạnh nhất trong hơn một thập niên. Diễn biến này có thể làm phức tạp thêm triển vọng lạm phát ở các nước phương Tây.
Chris Bataille, nhà nghiên cứu chính sách ở Đại học Columbia, nhận định một khi Trung Quốc quay lại mua nhiều kim loại như trước đại dịch Covid-19, giá khó có thể giảm trở lại.
WSJ dẫn lời Liqian Ren, Giám đốc chiến lược đầu tư Modern Alpha tại Công ty WisdomTree Asset Management, nói: “Tôi tin rằng trong dài hạn, giá kim loại sẽ tăng vọt vì Trung Quốc sẽ mở cửa nền kinh tế trở lại”.
Sự phục hồi của thị trường kim loại công nghiệp đã chắp cánh cho cổ phiếu của các công ty khai khoáng, đưa vật liệu này trở thành nhóm ngành tăng giá tốt nhất của S&P 500 trong tháng này. Cho đến tháng 11 này, cổ phiếu của Công ty khai khoáng Freeport-McMoRan (Mỹ) tăng 20%, cổ phiếu của Tập đoàn khai khoáng Rio Tinto (Anh) tăng 19% và cổ phiếu của đối thủ Anglo American tăng 27%.
Hakan Kaya, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Công ty quản lý đầu tư Neuberger Berman, cho biết công ty ông đang tăng cường đầu tư vào đồng, nhôm và kẽm. Ông nhận định quá trình chuyển đổi toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu các kim loại quan trọng và cần thiết cho năng lượng xanh. Chứng chỉ của quỹ hoán đổi danh mục về chiến lược hàng hóa của Neuberger Berman tăng 4,8% trong tháng này, so với mức tăng 2,2% của chỉ số S&P 500.
Thụy Anh