Mì ăn liền Việt Nam thoát diện kiểm soát tại EU

09:46 13/06/2024

Theo thông tin mới nhất, đã có nhiều thay đổi trong chính sách kiểm tra an toàn thực phẩm của EU đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Quy định số 2024/1662 của Ủy ban châu Âu (EC) được công bố vào ngày 12 tháng 6, từ ngày 2 tháng 7 năm 2024, sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam sẽ được loại khỏi danh mục các sản phẩm chịu kiểm soát an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, tần suất kiểm tra tại cửa khẩu đối với mì ăn liền Việt Nam vẫn được duy trì ở mức 20%.

Cùng với đó, EC cũng điều chỉnh quy định kiểm tra đối với một số sản phẩm nông sản khác của Việt Nam. Cụ thể, đối với thanh long, tần suất kiểm tra tại biên giới được tăng từ 20% lên 30%. Mặt hàng ớt được chuyển từ mức kiểm soát 50% theo Phụ lục I sang mức kiểm soát 50% kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm, theo Phụ lục II.

Mì ăn liền Việt Nam thoát diện kiểm soát tại EU
Mì ăn liền Việt Nam thoát diện kiểm soát tại EU.

Đậu bắp vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra 50%, nhưng cũng phải kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Riêng mặt hàng sầu riêng vẫn duy trì tần suất kiểm tra ở mức 10%.

Những thay đổi này phản ánh sự điều chỉnh trong chính sách kiểm tra an toàn thực phẩm của EU đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ Việt Nam, nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng tại EU.

Trước đó, từ tháng 2/2022, EU đã đưa sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào diện áp dụng quy định Regulation (EU) 2019/1793 để kiểm soát dư lượng Ethylene oxide (EO).

Cụ thể, Đức gửi cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP thực phẩm Á Châu (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) chứa chất cấm Ethylene oxide vượt ngưỡng uy định của EU. Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam Vifon (TP. Hồ Chí Minh) và nước này đã trả lại lô hàng. Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia. Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép nên đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.

EO thường được sử dụng làm chất khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao trong một số sản phẩm nông sản; khử khuẩn các nguyên liệu thực phẩm, đặt biệt cho các gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế do yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella.

P.V (t/h)