Meta đầu tư hơn 10 tỷ USD xây dựng tuyến cáp quang biển quanh thế giới. |
Theo thông tin từ TechCrunch, Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, đang ấp ủ một dự án đầy tham vọng: xây dựng một tuyến cáp quang biển bao quanh địa cầu. Nguồn tin thân cận với Meta tiết lộ, dự án này có thể tiêu tốn hơn 10 tỷ USD cho gần 25.000 dặm cáp và Meta sẽ sở hữu 100% dung lượng của tuyến cáp này. Vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự án này vẫn chưa được làm rõ.
Theo chuyên gia cáp ngầm Sunil Tagare, người đầu tiên nhắc đến kế hoạch này hồi tháng 10, dự án bắt đầu với ngân sách 2 tỷ USD và sẽ tăng lên qua nhiều năm thực hiện. Một nguồn tin thân cận của Meta cũng xác nhận về dự án nhưng cho biết mọi thứ vẫn đang ở giai đoạn đầu và từ chối nói về kinh phí.
Công ty dự kiến công bố thêm thông tin chi tiết đầu năm 2025, gồm lộ trình, khả năng truyền tải và lý do xây dựng. Cáp ngầm sẽ cung cấp đường truyền dữ liệu riêng cho Meta, với lộ trình từ bờ đông Mỹ đến Ấn Độ qua Nam Phi, rồi từ Ấn Độ đến bờ tây Mỹ qua Australia, tạo thành hình chữ W quanh Trái đất.
Dự án do Santosh Janardhan, người đứng đầu bộ phận hạ tầng toàn cầu của Meta, giám sát. Văn phòng Meta tại Nam Phi được cho là đang dẫn dắt quá trình này. Việc xây dựng tuyến cáp này sẽ mất nhiều năm để hoàn thành do nguồn lực hạn chế, đặc biệt là số lượng tàu chuyên dụng.
Ranulf Scarborough, một nhà phân tích ngành cáp ngầm cho biết: "Việc tìm kiếm các nguồn lực có sẵn để thực hiện sớm là một thách thức, nguồn cung xây cáp cũng đang eo hẹp và rất đắt vào thời điểm này. Có khả năng việc xây dựng phải phân chia thành nhiều giai đoạn".
Thực tế, việc sở hữu các mạng lưới ngầm trong những năm gần đây bắt đầu có sự chuyển dịch, từ chỉ là các nhà mạng viễn thông sang các gã khổng lồ công nghệ. Không phải chỉ Meta mới tham gia lĩnh vực cáp ngầm, Google, Amazon và Microsoft từ lâu cũng đã đầu tư vào nhiều dự án tương tư.
Có một số lý do khiến việc xây dựng cáp ngầm hấp dẫn các công ty công nghệ lớn như Meta. Đầu tiên, việc sở hữu duy nhất tuyến cáp sẽ giúp Meta có được ưu tiên về hỗ trợ lưu lượng dữ liệu để phục vụ dịch vụ của riêng mình.
Tuy nhiên, có một động lực thực tế hơn cho các khoản đầu tư này là thay vì phụ thuộc vào các nhà mạng viễn thông, họ muốn có quyền sở hữu trực tiếp các "tuyến truyền tải" để cung cấp nội dung, quảng cáo và nhiều dịch vụ khác cho người dùng trên toàn thế giới.
Theo báo cáo thu nhập, Meta đang kiếm được nhiều tiền ở các thị trường ngoài nước hơn là Mỹ. Việc ưu tiên cáp ngầm chuyên dụng có thể giúp đảm bảo chất lượng dịch vụ trên lưu lượng đó, tuy nhiên Meta vẫn sẽ phải đàm phán với các nhà mạng tại từng quốc gia để kết nối đến thiết bị của người dùng. Và điều này có thể gặp nhiều thách thức.
“Các công ty công nghệ nhận ra rằng họ phải tự xây dựng độc lập các tuyến cáp để đảm bảo trải nghiệm của khách hàng”, nhà phân tích Scarborough cho biết.