Mặt bằng lãi suất sẽ giảm xuống trong những tháng cuối năm
Mới nhất, hàng loạt các ngân hàng TMCP đã giảm lãi suất huy động, trong đó có MB, OCB, ACB, Techconbank, Eximbank, Nam A Bank và GPBank.
Trước đó, tất cả các ngân hàng lớn tại Việt Nam, bao gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV, và Agribank đã hạ lãi suất huy động cao nhất xuống mức 5,5%/năm, ngang với mức thấp nhất từng ghi nhận trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Lãi suất huy động ở các kỳ hạn khác nhau cũng đều đã giảm xuống dưới 6%/năm.
Thậm chí, nnhiều ngân hàng niêm yết lãi suất dưới 7%/năm.
Giới chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hạ lãi suất cho vay, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Bình luận về vấn đề này với Doanhnghiephoinhap.vn, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia Kinh tế Tài chính, cho biết, việc các ngân hàng hạ lãi suất huy động đồng nghĩa với việc sẽ hạ lãi suất cho vay. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất sẽ giảm xuống.
“Như vậy, các doanh nghiệp và người vay vốn đầu tư, kinh doanh sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc lãi suất giảm”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, trong những tháng cuối năm 2023, lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giảm mạnh hơn so với lãi suất huy động vì lãi suất huy động trong thời gian qua đã giảm kịch khung.
Ông Thịnh khẳng định, lãi suất cho vay cũng đã hạ nhiều dù một số ngân hàng lãi suất vẫn còn tương đối cao. Sắp tới, việc hạ lãi suất cho vay sẽ diễn ra nhiều hơn.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng là động thái khá mạnh dạn trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động.
Ông Lực khẳng định, việc giảm một số loại lãi suất điều hành của ngân hàng Nhà Nước đã tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất huy động như vừa diễn ra, là cơ sở để hạ lãi suất cho vay. Động thái này cũng sẽ hỗ trợ một phần chi phí lãi suất, giúp giảm chi phí đầu vào chung của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vay nhiều, đang gặp khó khăn về tài chính.
Giảm lãi suất cho vay sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển
Cấn Văn Lực cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần lưu ý, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo tập trung hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nhiều hơn vào các khoản tín dụng ngắn hạn bằng VND.
Những quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất cho vay thường có mục tiêu hỗ trợ tăng cường hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế sau những thách thức như dịch bệnh hay suy thoái. Với lãi suất thấp hơn, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí tài chính trong quá trình vay vốn. Điều này giúp giảm giá thành sản phẩm và tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn.
Theo ông Lực, việc giảm lãi suất huy động có thể ảnh hưởng nhỏ đến người gửi tiết kiệm.
Dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm trong thời gian qua nhưng người dân sẽ vẫn tiếp tục gửi tiền vì đây là kênh đầu tư vẫn khá hấp dẫn, nhất là hiện nay, các kênh đầu tư khác có nhiều biến động hơn.
Không chỉ tác động giảm lãi suất, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng việc giảm lãi suất sẽ "có tác động tích cực" về tâm lý, là tín hiệu đảo chiều chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
“Kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm thời gian tới, kể cả ngắn hạn, trung, dài hạn sẽ tạo tâm lý tích cực cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tất cả sẽ sẵn sàng xuống tiền nhiều hơn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển”, ông Lực nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Phan Đình Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần xây lắp Hoàn Hiệp (Bình Dương) cho biết, từ sau đại dịch Covid -19 doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, trong đó có vấn đề vốn vay.
Theo ông Hoàn, dòng tiền là yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển doanh nghiệp sau đại dịch. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn, có thời điểm lãi suất lên đến 15%, khiến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực.
“Để vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tìm kiếm các nguồn vốn khác, tái cấu trúc nợ, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh… và xem xét các giải pháp khác để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Hoàn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Danh Ngôn – Giám đốc Công ty PCCC Hà Nội cho biết, khi ngân hàng giảm lãi suất huy động đồng nghĩa với việc sẽ giảm lãi cho vay, doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng một số lợi ích, trong đó quan trọng nhất là giảm chi phí vay. Mức lãi suất xuống thấp sẽ giúp doanh nghiệp trả ít tiền hơn cho những khoản vay của mình. Điều này có thể làm giảm đi các chi phí tài chính và tăng lợi nhuận.
“Lãi suất thấp cũng giúp giảm áp lực tài chính lên doanh nghiệp, giúp họ dễ dàng hơn trong việc đầu tư vào các dự án mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị mới hoặc mở rộng quy mô kinh doanh. Đây là một tín hiệu khá tích cực cho giới đầu tư kinh doanh”, ông Ngôn nói.
Nghệ Nhân