Từ xa xưa, con người đã luôn luôn tìm các công cụ viết để ghi lại câu chuyện và bài hát. Những nét vẽ nguệch ngoạc đầu tiên được thực hiện bằng một cây gậy bị cháy trên cát. Đến thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, người Sumer đã sử dụng bút sậy để khắc các chữ hình nêm trên bảng đất sét. Người Ai Cập cũng viết chữ tượng hình bằng bút lông làm từ lau sậy và người Trung Quốc cổ đại thì viết bằng bút lông cứng. Người Hy Lạp và La Mã sau này đã mài sắc những cây bút sậy để việc khắc chữ được chi tiết và chính xác. Bút lông ngỗng, làm từ lông ngỗng hoặc lông thiên nga, được các nhà văn ưa chuộng trong hơn 1.000 năm. Đây là loại bút lông mềm với đầu cọng lông được gọt, mài giũa và tách ra để cho phép mực chảy tự do. Một cải tiến vượt bậc so với bút lông là phát minh ra ngòi bút thép của Joseph Gillott vào cuối thế kỷ 19. Đầu bút không cần gọt và có thể tách rời khỏi thân bút để thay đổi khi cần. Tuy nhiên, người viết liên tục phải nhúng bút vào mực, do đó mực dễ bị nhỏ giọt. Bút máy lưu trữ mực bên trong một hộp chứa bên trong bút, do đó ngòi được cung cấp một dòng mực liên tục. Alonzo Cross đã giới thiệu một loại "bút viết kiểu" với một đầu kim chứa mực vào cuối những năm 1860, nhưng các vết mờ và vết nhòe vẫn còn phổ biến.
Nếu bút mực yêu cầu người dùng phải liên tục nhúng đầu bút vào mực hoặc phải liên tục bơm mực thì điều này không cần thiết với bút bi vì nó được thiết kế với bình chứa mực riêng, sử dụng hoạt động mao dẫn để mực không bị rò rỉ ra ngoài. Ở đầu bút là một quả bóng xoay tự do được đặt trong một cái lỗ. Chỉ một phần của quả bóng này được tiếp xúc, phần còn lại nằm bên trong bút và liên tục được thấm đẫm bằng mực từ khoang chứa. Ấn đầu bút lên mặt viết sẽ khiến viên bi lăn đi. Hành động lăn này sau đó sẽ chuyển mực từ bên trong bút lên bề mặt viết.
Năm 1888, John Loud được cấp bằng sáng chế cho một loại bút gồm “một bình chứa mực và một bi lăn bôi mực dày lên da thuộc” nhưng nó đã không bao giờ được sản xuất vì mực thường xuyên bị rò rỉ hoặc tắc.
Năm 1935, Ladislas Biro người Hungary đã cải tiến thiết kế này và được cấp bằng sáng chế ở Argentina. Thật không may, thiết kế này chỉ hoạt động khi bút được giữ ở những góc cụ thể vì nó phụ thuộc vào trọng lực để mực chảy vào bi lăn.
Đến cuối năm 1950, Marcel Bich, một người Pháp, với khả năng nhìn xa trông rộng, nhận thấy nhu cầu cực lớn của thị trường bút bi với nguồn cung chất lượng thấp và giá thành cao, đã quyết định mua lại bản quyền bằng sáng chế từ Ladislas Biro. Sau khi nghiên cứu kỹ càng về cấu tạo của bút bi cũng như sử dụng máy móc có độ chính xác cực cao dùng trong chế chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ, năm 1953 ông thành lập công ty Société Bic và giới thiệu một loại bút bi có ngòi viết êm, rõ ràng, không lem, giá rẻ (chỉ 0,5 franc Pháp) có tên là “Bic Cristal”. Ngay lập tức chiếc bút Bic đã được công chúng yêu thích và tạo nên một cơn sốt trên toàn thế giới. Đầu tiên là ở Pháp, sau đó là Ý năm 1954, Brazil năm 1956, Vương quốc Anh, Nam Phi và Châu Đại Dương năm 1957, sau đó là Hoa Kỳ năm 1958, Châu Phi và Trung Đông vào những năm 60. Chiếc bút này nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng và được gọi là "bút nguyên tử" ở Pháp. Trong suốt những năm 1950 và 1960, đầu viết bi và thiết kế công thái học của Bic Cristal đã giúp thay đổi thị trường bút trên toàn thế giới từ bút máy sang chủ yếu là bút bi.
Marcel Bich đã đầu tư vào công nghệ Thụy Sĩ có khả năng cắt và tạo hình kim loại đến 0,01 milimét, do đó thu được một quả cầu bằng thép không gỉ có đường kính một milimet cho phép mực chảy tự do. Quả cầu này về sau đã được thay thế bằng một quả bóng cacbua vonfram có khả năng chống biến dạng đặc biệt. Quả bóng được thiết kế hoàn hảo để có thể bám chặt vào hầu hết mọi bề mặt viết. Bề mặt của nó thực sự bao gồm hơn 50.000 hố nhỏ được đánh bóng. Các hố được kết nối bởi một loạt các kênh liên tục trên toàn bộ quả cầu. Thiết kế này cho phép mực có mặt trên cả bề mặt và bên trong quả bóng. Bich cũng phát triển được độ nhớt của mực giúp không bị rò rỉ cũng như không bị tắc. Hình dạng lục giác cũng được lấy từ bút chì gỗ đã mang lại hiệu quả sử dụng nhựa tiết kiệm cùng với độ bền và ba điểm cầm mang lại độ ổn định cao khi viết. Chất liệu polystyrene trong suốt của bút cũng hiển thị mức mực còn lại cho người dùng biết. Điểm đặc biệt trong thiết kế là một lỗ nhỏ trên thân bút duy trì cùng một áp suất không khí bên trong và bên ngoài giúp mực chảy xuống nhờ trọng lực để cung cấp cho một ổ bi quay tự do.
Marcel Bich được sinh ra tại Torino, Ý năm 1914. Gia đình ông chuyển đến Tây Ban Nha và sau đó đến Pháp, nơi ông nhập quốc tịch Pháp vào năm 1932 và sau đó học luật tại Đại học Paris. Nhờ sản xuất bút bi Bic, Marcel đã trở thành một tỷ phú. Sau khi niêm yết Bic trên Sở giao dịch chứng khoán Paris vào năm 1972, ông tiếp tục khám phá các lĩnh vực kinh doanh rất đa dạng. Năm 1973, ông tiếp thị bật lửa bỏ túi Bic đầu tiên và hai năm sau là sản phẩm dao cạo Bic cũng như thành lập Bic Sport cho môn thể thao lướt ván và đua thuyền buồm.
Trong giới xã hội, ông được gọi là Nam tước Bich kể từ khi Vua Carlos Alberto của Sardinia ban tặng danh hiệu đó cho ông cố Emmanuel, Thị trưởng Aosta vào năm 1841. Ông đã kết hôn ba lần và có tổng cộng 11 con. Hiện tại, giám đốc điều hành Société Bic Group là Gonzalve Bich (43 tuổi) - cháu trai của Marcel Bich - người có khối tài sản ước tính vào năm 2021 ở mức 1,3 tỷ euro.
Ngày nay, gần 30 năm sau ngày ông qua đời, Tập đoàn Bic đã có mặt tại hơn 160 quốc gia với vị trí dẫn đầu thế giới về bật lửa bỏ túi, số hai về dụng cụ viết và máy cạo râu. Theo dữ liệu mới nhất, Bic bán được khoảng 20 triệu chiếc bút mỗi ngày hay 57 chiếc mỗi giây tại 160 quốc gia.
Marcel Bich cũng trải qua nhiều thất bại trong kinh doanh. Thất bại lớn nhất của ông là sản phẩm nước hoa Parfum Bic được giới thiệu vào năm 1989. Có lẽ vì thời đại chưa chín muồi cho nước hoa dùng một lần của Pháp, hoặc cũng có thể do thiếu người thử nghiệm tại các cửa hàng. Mạng lưới phân phối cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại, tờ The New York Times khi đó đã lưu ý rằng: “Các đối thủ như Avon và L'Oreal đã có những sản phẩm nước hoa giá rẻ tương tự, nhưng kênh phân phối của Bic thì khác”. Đó là một thất bại nặng nề đến nỗi Bich đã phải rút nước hoa khỏi kệ vào năm sau, với khoản lỗ ước tính 11 triệu đô la.
“Lợi nhuận tiềm năng tăng tỷ lệ thuận với rủi ro được thực hiện. Bạn càng mạo hiểm, cơ hội thắng hoặc thua của bạn càng lớn. Giải pháp thiết thực nhất là chi trả cho mọi rủi ro ngay từ đầu, và sau đó bạn không thể thua lỗ”, ông đã nói như vậy trước khi qua đời vào năm 1994. Đó là lẽ sống của ông và cũng có thể là bài học cho các doanh nhân để vượt qua được các giới hạn của bản thân trong kinh doanh.
Anh Dũng