Lý do gì khiến EU tiến hành điều tra về hoạt động của TikTok, YouTube và Snapchat? |
Liên minh châu Âu (EU) vừa cho biết: "EU tiến hành điều tra về hoạt động của các nền tảng xã hội như TikTok, YouTube và Snapchat do lo ngại những người dễ bị tổn thương bởi những tin tức giả mạo và độc hại".
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan giám sát cao nhất đối với thị trường kỹ thuật số của EU, khẳng định, các nền tảng xã hội TikTok, YouTube và Snapchat sẽ phải giải trình về cách thức hoạt động và các thuật toán đề xuất video trong nền tảng như tính năng phát tự động, cuộn video vô hạn cũng như các biện pháp bảo vệ mà nền tảng phải áp dụng để ngăn chặn việc phát tán nội dung có hại.
Theo đó, các nền tảng này nếu không cung cấp tài liệu trước ngày 15/11 hoặc cung cấp thông tin sai lệch sẽ bị phạt theo luật EU.
Thông thường, các nền tảng sẽ gợi ý nội dung cho người dùng và sử dụng các thuật toán để những gợi ý này phù hợp với thị hiếu từng cá nhân.
Yêu cầu kể trên được EC đưa ra theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA), buộc các nền tảng phải hành động nhiều hơn để bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Theo DSA, các nền tảng phải giảm thiểu nguy cơ phát sinh từ các hệ thống. EC cũng muốn biết, 2 nền tảng YouTube và Snapchat đã thực hiện những bước gì để giảm thiểu nguy cơ các thuật toán giúp phát tán ngôn từ kích động thù địch và quảng cáo cho nội dung không phù hợp.
Trong khi đó, với TikTok, EC cho biết, đã yêu cầu TikTok cung cấp thêm thông tin về các biện pháp mà công ty đã áp dụng để ngăn chặn những kẻ xấu thao túng ứng dụng, giảm thiểu rủi ro liên quan đến bầu cử và diễn ngôn dân sự.
Trước đó, EU bắt đầu các quy trình pháp lý nhằm xác định xem các hãng công nghệ lớn có tuân thủ quy định của DSA hay không, yêu cầu họ phải hành động nhiều hơn để giải quyết nội dung bất hợp pháp và có hại trên nền tảng. Các vấn đề này liên quan đến những gợi ý nội dung mà Facebook và Instagram của Meta Platforms, AliExpress và TikTok cung cấp cho người dùng.
Cuối tháng 2, EU đã bắt đầu điều tra xem liệu TikTok có vi phạm các quy tắc nội dung trực tuyến nhằm bảo vệ trẻ em và đảm bảo tính minh bạch trong quảng cáo hay không, khiến nền tảng truyền thông xã hội của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) có nguy cơ bị phạt nặng, theo hãng tin Reuters.