Liệu khai thác dưới đáy biển có cần thiết cho một cuộc cách mạng xe điện?

10:55 29/09/2021

Các công ty khai thác dưới đáy biển tuyên bố kim loại hiếm cần thiết để cung cấp năng lượng cho công nghệ sạch ngay cả khi những doanh nghiệp chế tạo ô tô điện hàng đầu thế giới ủng hộ lệnh cấm và đi tìm giải pháp thay thế.

Khi các quốc gia cố gắng đáp ứng các mục tiêu nghiêm ngặt về phát thải carbon và các nhà sản xuất xe loại bỏ động cơ đốt trong, thị trường tương lai được dự đoán sẽ sử dụng 145 triệu xe điện trong vòng một thập kỷ tới, tăng mạnh so với 11 triệu xe của năm ngoái. Các loại pin ô tô cùng với pin lưu trữ năng lượng mặt trời, năng lượng gió đã khiến nhu cầu về kim loại tăng vọt, làm tiền đề cho các công ty khai thác đáy biển, theo đuổi cuộc săn lùng kim loại hiếm. 

Ước tính sẽ có 145 triệu ô tô điện xuất hiện trên các con đường trong vòng một thập kỷ
Ước tính sẽ có 145 triệu ô tô điện xuất hiện trên các con đường trong vòng một thập kỷ. (Ảnh: CJM Photography)

Hàng nghìn mét dưới bề mặt đại dương là hàng triệu tảng đá dồi dào nguồn cung niken, đồng và coban. Oliver Steeds, người sáng lập và giám đốc điều hành của Nekton, một quỹ nghiên cứu biển sâu cho biết: “Hiện chúng tôi có sẵn công nghệ để khám phá nhiều đại dương hơn trong 10 năm tới so với 10.000 năm trước”. Tại phòng thí nghiệm của Goodwood, nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ chẳng hạn như phương tiện tự động dưới nước hoặc rô bốt để lập bản đồ biển sâu không nhằm mục đích  khai thác mà thúc đẩy bảo tồn đại dương. Theo Steeds, những tiến bộ trong công nghệ khai thác và thăm dò đại diện cho “một cơ hội phi thường để tiến bộ nhưng cũng đem đến mối đe dọa cho dù thông qua hình thức khai thác hay quá trình công nghiệp hóa và đánh bắt không kiểm soát”.

Douglas McCauley, giáo sư tại Đại học California, Santa Barbara kiêm giám đốc của Sáng kiến ​​Đại dương Benioff, cho hay tác động tiềm tàng của việc khai thác dưới đáy biển sâu khiến ông trăn trở. Theo McCauley, điện khí hóa các phương tiện là một “con đường tích cực” để giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, ông không cho rằng phải khai thác đại dương để đáp ứng nhu cầu kim loại của năng lượng tái tạo. Ông nói: “Có một số câu hỏi rất quan trọng đang được các nhà khoa học đặt ra về tác động của việc khai thác đại dương. Sẽ tuyệt chủng bao nhiêu loài? Các hệ thống có khả năng phục hồi cực thấp này sẽ mất bao lâu để phục hồi? Sẽ có tác động gì đến khả năng thu giữ carbon của đại dương?”.

Vào tháng 7, các nhà nghiên cứu của Tổ chức Hòa bình xanh đã đưa ra nhiều dự báo về nhu cầu kim loại vào năm 2050, giả định rằng việc sử dụng liên tục pin lithium-ion phụ thuộc coban và niken cho xe điện và lưu trữ, mặc dù các giải pháp thay thế đang được phát triển, bao gồm cả việc Tesla sử dụng pin lithium iron phosphate, loại pin không cần kim loại. Bên cạnh đó, các công ty xe hơi cũng tham gia vào cuộc “nổi dậy”.

Tháng 3, BMW và Volvo cùng với Google và Samsung đã trở thành những công ty toàn cầu đầu tiên kêu gọi về việc tạm hoãn khai thác dưới đáy biển sâu. Theo đó, các công ty cam kết không tìm nguồn cung cấp bất kỳ kim loại nào từ đáy biển, không sử dụng trong chuỗi cung ứng và cũng không tài trợ cho các hoạt động khai thác cho đến khi làm rõ rủi ro và các lựa chọn thay thế không còn đáp ứng. Claudia Becker, chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng bền vững của BMW, chia sẻ bà lo ngại việc khai thác dưới đáy biển sâu có thể gây ra “hậu quả không thể đảo ngược”: “Chúng tôi đi đến kết luận rằng ta đang thiếu hiểu biết về tác động đa dạng sinh học của việc khai thác dưới đáy biển sâu. Chúng tôi muốn gửi một tín hiệu rõ ràng đến ngành công nghiệp rằng, cho đến khi những vấn đề này được giải quyết, khoáng sản từ đáy biển sâu không phải là một lựa chọn cho chúng tôi ”. 

Robot lắp ráp ô tô điện trong nhà máy BYD ở Tây An, Thiểm Tây. Trung Quốc hiện là quốc gia tái chế nhiều pin lithium-ion hơn phần còn lại của thế giới cộng lại.
Robot lắp ráp ô tô điện trong nhà máy BYD ở Tây An, Thiểm Tây. Trung Quốc hiện là quốc gia tái chế nhiều pin lithium-ion hơn phần còn lại của thế giới cộng lại.. (Ảnh: Alex Plavevski)

Một trong những giải pháp thay thế đang được khám phá là chế tạo pin bằng cách sử dụng các kim loại có sẵn rộng rãi, thay vì các khoáng chất hiếm và đắt tiền được sử dụng ngày nay. Becker tin rằng việc khai thác dưới đáy biển có thể tránh được bằng cách chuyển sang các kim loại thay thế, ít gây hại hơn hoặc bằng cách thiết kế các loại pin cần ít khoáng chất hơn. Bà trích dẫn BYD (Build Your Dreams) có trụ sở tại Trung Quốc, nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới, đã thông báo trong năm nay sẽ không sử dụng coban trong pin nữa.

Claes Eliasson, phó chủ tịch cấp cao về quan hệ truyền thông của Volvo, nói rằng bộ phận AB Volvo chuyên sản xuất xe tải, xe buýt và thiết bị xây dựng, đang đặt cược vào ba loại phương tiện: điện, hydro và nhiên liệu sinh học. Đồng thời công ty đang hợp tác với Daimler Trucks để sản xuất pin nhiên liệu hydro cho xe đường dài. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi tái chế bao gồm thu gom pin cũ từ các bãi rác thải.

Các nhà nghiên cứu đang tìm cách tái chế hàng triệu pin xe điện mà các nhà sản xuất dự kiến ​​sẽ sản xuất trong những thập kỷ tới. Andy Abbott, giáo sư hóa lý tại Đại học Leicester, chỉ ra pin của xe điện (EV) không được thiết kế để tái chế. “Hầu hết các pin EV đều có các tế bào rất nhỏ được đưa vào các mô-đun Để đưa ra một ý tưởng, Tesla Model S có 4.600 tế bào trong đó”. Ông nói, khó khăn ở đây là phải tìm ra một cách hiệu quả về chi phí để tách các tế bào, vốn được định hình lại với nhau bằng keo cứng và có độ độc cao, để tiếp cận các kim loại bên trong. Abbott cho hay: “Một số người đang đề xuất các tế bào không có keo và giúp việc tháo rời dễ dàng hơn. Chúng tôi đang xem xét việc sử dụng robot có thể tháo rời pin”.

Bên cạnh đó, thiết kế sản phẩm “lỗi thời theo kế hoạch” là một trở ngại lớn khác đối với việc tái chế kim loại. Năm 2019, 53,6 triệu tấn rác thải điện tử được tạo ra trên toàn cầu, chỉ 17,4% (9,3 triệu) trong số đó được tái chế. Năm 2018, Trung Quốc bắt đầu giao cho các nhà sản xuất phương tiện chịu trách nhiệm đảm bảo rằng pin được tái chế và quốc gia này hiện tái chế nhiều pin lithium-ion hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Năm ngoái, BYD đã ra mắt pin dạng lưỡi, có chức năng lưu trữ các tế bào phẳng ngay bên trong, cho phép tháo bằng tay.

TL (theo The Guardian)